Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã trả lời nhiều câu hỏi về các vấn đề được báo chí quan tâm, trong đó có công tác điều hành giá xăng dầu.
Tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương chiều 17/10, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm đến nay, Quỹ đã chi hơn 5.500 tỷ đồng, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Mặc dù vậy, thời gian tới có trích quỹ nữa hay không thì phải tính toán thêm.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã có 19 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó chỉ có 2 lần giảm, 6 lần tăng giá xăng, với tổng mức tăng trên 2.500 đồng/lít.
"Có 11 lần chúng ta giữ ổn định giá, tuy nhiên để giữ được như vậy thì liên Bộ Công Thương – Tài chính đã trích quỹ bình ổn với mức tổng chi hơn 18.466 đồng/lít cho các lần giữ nguyên giá", ông Hải cho biết.
Tính từ đầu năm đến ngày 25/9, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã phải chi 5.500 tỷ đồng cho các lần giữ bình ổn giá xăng dầu. Đến ngày 31/8/2018 thì Quỹ còn 3.100 tỷ đồng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Lần gần đây nhất, cơ quan điều hành giá không trích quỹ bình ổn nữa bởi giá xăng tăng rất cao. Một mặt ngừng trích 300 đồng/lít xăng vào quỹ, đồng thời chi quỹ để giảm mức tăng. Đáng lẽ tăng hơn 1.500 đồng/lít nhưng lần gần đây nhất chỉ phải tăng hơn 700 đồng/lít xăng.
"Đó là lợi ích rõ ràng của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tôi cũng không mong có quỹ này vì nếu không có quỹ này, giá xăng thế giới tăng giảm bao nhiêu, giá trong nước cũng tăng giảm như vậy, điều hành rất dễ nhưng ở Việt Nam có lạm phát kì vọng. Giá xăng tăng là các mặt hàng khác dù không liên quan cũng tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đầu vào doanh nghiệp và cả CPI", ông Hải nói.
Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết: Liên Bộ sẽ còn bàn bạc kĩ và báo cáo lên trưởng ban điều hành giá là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc có trích lập quỹ trong thời gian tới hay không.
Ông Hải nói thêm: Đến giờ phút này, Quỹ bình ổn vẫn còn tác dụng của nó. Trước mắt tạm thời không trích quỹ, còn sắp tới thế nào còn căn cứ vào tình hình thực tiễn giá xăng dầu thế giới và mức quỹ còn lại, tính đến việc từ 1.1.2019 sẽ tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng, mỗi lít xăng tăng thêm 1.000 đồng nữa.
Liên quan đến sự cố đứt đường dây điện 22kV làm 2 học sinh bị điện giật chết tại Long An, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết: Ngay sau khi nhận thông tin thì Cục và EVN đã vào Long An nắm tình hình, khắc phục sự cố.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã chỉ đạo điện lực Long An thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các cháu bị nạn, rà soát tất cả điều kiện kĩ thuật liên quan đến lưới điện để phục vụ công tác điều tra của công an.
"Hiện công an đang điều tra sự cố. Sau khi có kết luận điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, xử lý theo quy định pháp luật. Bộ cũng đã chỉ đạo tất cả các công ty điện lực rà soát, kiểm tra bảo đảm an toàn cho người dân", ông Bảo cho hay.
"Bộ Công Thương rất đau xót trước mất mát của gia đình các nạn nhân. Bộ sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan liên quan, không để lặp lại sự cố tương tự", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Trước đó, vào chiều ngày 13/10, khi các học sinh Trường THCS An Lục Long (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) rời khỏi trường sau buổi học chiều, bất ngờ đường dây điện trung thế 22kV đi ngang trước cổng trường bị nổ và rơi xuống giật chết 2 học sinh. Hai em khác bị thương nặng được đưa đi điều trị, 2 em bị xây xát nhẹ.