Triển khai sắp xếp nghề cá và cơ cấu lại đội tàu

Với mục tiêu xây dựng một ngành thủy sản hiện đại và bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang tích cực triển khai các giải pháp sắp xếp nghề cá và cơ cấu lại đội tàu. Các giải pháp này được xây dựng dựa trên những đánh giá về khả năng của nguồn lợi thủy sản và điều kiện tự nhiên để nâng cao hiệu quả khai thác gắn với bảo vệ môi trường biển nhằm đảm bảo sinh kế cho ngư dân.

Chú thích ảnh
Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng cá Mỹ Tân ở xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận).

Ninh Thuận có đường bờ biển dài hơn 105km với nhiều tiềm năng về khai thác và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 2.453 tàu cá từ 6m trở lên; trong đó, có 889 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trên địa bàn tích cực đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá; lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại như máy thông tin liên lạc VX-1700, máy dò ngang Sonar, máy radar hàng hải, thiết bị kết nối vệ tinh Movimar, máy thu lưới, thu câu, máy tời thủy lực,... để khai thác các loài hải sản ở vùng khơi cho giá trị kinh tế cao.

Ngư dân Trần Văn Thái (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) chủ tàu cá NT 01224 TS chia sẻ, việc trang bị máy dò cá và thiết bị định vị hiện đại cùng với thông tin dự báo ngư trường từ Chi cục Thủy sản đã giúp ngư dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Bình quân một tháng tàu cá của gia đình ông Thái đi biển được hai chuyến, mỗi chuyến khai thác được 2 - 3 tấn hải sản các loại, cho thu nhập từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu, trả công cho bạn thuyền cũng còn lãi khoảng một nửa.

Khai thác lợi thế đường bờ biển dài, cùng hệ thống đầm, lạch, ao, đìa đa dạng, ngư dân các địa phương ven biển ở Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển nghề nuôi biển với các đối tượng có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh gồm: các loài cá biển đặc sản, giáp xác và nhuyễn thể. Đến nay, tỉnh có 127 bè với 2.400 lồng nổi và khoảng 1.000 lồng chìm đang nuôi tôm hùm tại các khu vực biển Bình Tiên, Mỹ Tân, vùng C1, C2, An Hải, Cà Ná; khoảng 800 lồng bè nuôi cá biển và trên 1.000 bè nuôi hàu Thái Bình Dương tại khu vực Đầm Nại. Các mô hình nuôi biển giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm áp lực khai thác nguồn hải sản ven bờ.

Thực hiện kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2022 – 2030, tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục chuyển đổi nghề cá theo hướng hiện đại và bền vững. Cụ thể, tỉnh cấp giấy chấp thuận đóng mới tàu theo hướng ưu tiên các nghề thân thiện với môi trường, tàu được cơ giới hóa cao trong các khâu khai thác và bảo quản sản phẩm, sử dụng vỏ tàu bằng kim loại, vật liệu mới; không cấp giấy chấp thuận đóng mới, cải hoán đối với tàu làm nghề lưới kéo. Đồng thời, chuyển đổi các nghề ven bờ, vùng lộng sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương có tiềm năng phát triển về nghề nuôi biển.

Đối với nhóm tàu cá vùng khơi đang hoạt động hạn chế phát triển nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ, cho phép chủ tàu hoạt động kiêm nghề ít xâm hại môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản để chủ tàu có đủ thời gian và kinh phí tiếp cận với nghề chuyển đổi mới. Cùng đó, tỉnh Ninh Thuận xây dựng mô hình chợ đầu mối hải sản gắn với cảng cá; xây dựng liên kết chuỗi khai thác – thu mua – bảo quản – tiêu thụ hải sản; dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển.

Với hoạt động nuôi biển, Ninh Thuận triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp về quản lý đất đai, mặt nước nuôi biển, có cơ chế chính sách thu hút các công ty, tập đoàn vào sản xuất giống thủy sản, phát triển mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao. Các đơn vị trung tâm giống thủy sản, công ty đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, ương dưỡng tôm giống, các loại cá biển, nhuyễn thể, rong tảo biển có giá trị kinh tế cao. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển, giúp giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2025 tỉnh phấn đấu sản lượng khai thác đạt 130.000 tấn và tổng sản lượng thủy sản thương phẩm sản xuất đạt 11.000 tấn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, địa phương tiếp tục hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác xa bờ, các chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với thực hiện quy hoạch vùng nuôi.

Ông Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận thông tin, Chi cục đang tích cực phối hợp các địa phương ven biển đẩy mạnh truyền, vận động ngư dân tham gia khai thác vùng biển xa và thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khai thác xa bờ; theo dõi tình hình thời tiết, nắm tình hình diễn biến ngư trường, nghề khai thác hiệu quả nhằm thông báo kịp thời để ngư dân chủ động di chuyển phương tiện để khai thác đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng thời, đơn vị phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, lực lượng chức năng và cơ quan quản lý thủy sản các tỉnh giáp ranh tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định về khai thác thủy sản; tổ chức kiểm tra kiểm soát tại các cảng, cửa biển đối với nhóm tàu hết hạn giấy phép, đăng kiểm; tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu cá thực hiện gia hạn giấy phép và đăng kiểm theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, song song với hoạt động khuyến khích ngư dân vươn khơi khai thác, các đơn vị liên quan, địa phương tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn các hộ nuôi áp dụng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vào hoạt động nuôi tôm thương phẩm, ghi chép nhật ký ao nuôi phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, thực hiện quan trắc môi trường, kịp thời đưa ra các cảnh báo dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khuyến cáo người dân có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Năm 2024, nhờ ngư trường tương đối thuận lợi, cùng với chính sách hỗ trợ khai thác vùng biển xa, năng lực tàu cá tăng lên, tổng sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh Ninh Thuận được 132.640 tấn, đạt 104,44% kế hoạch. Các tàu cá khai thác đạt sản lượng khá với nhiều loại hải sản cho giá trị kinh tế cao đã tạo động lực cho ngư dân tiếp tục đẩy mạnh vươn khơi, bám biển.

Bài, ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Nghiệp đoàn nghề cá - điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển
Nghiệp đoàn nghề cá - điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Ngày 1/11, tại xã Hải Xuân (huyện Hải Hậu), Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã công bố quyết định và ra mắt Nghiệp đoàn nghề cá xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN