Worldatlas.com: TP Hồ Chí Minh trong danh sách có nguy cơ chìm một phần vào năm 2030

Theo trang mạng worldatlas.com, giới khoa học dự báo đến năm 2030 sẽ có 9 thành phố có nguy cơ chìm một phần hoặc hoàn toàn do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Triều cường gây ngập sâu tại khu vực cầu Phú Xuân, tiếp giáp huyện Nhà Bè và quận 7, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Trần Xuân Tình/TTXVN

TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có nguy cơ chìm một phần trong năm 2030. Thành phố đang bị đe dọa bởi triều cường và ảnh hưởng của bão nhiệt đới diễn ra hằng năm. Các nhà khoa học dự báo đa số khu vực phía Đông nằm cạnh sông Sài Gòn sẽ sớm trở thành nơi khó sinh sống do triều cường và mưa bão. Đặc biệt, những khu vực của Thủ Thiêm, vốn là đầm lầy trũng thấp, dễ có nguy cơ ngập hoàn toàn dưới nước trước năm 2030. Trong khi đó, khu trung tâm của thành phố có thể duy trì lâu hơn, nhưng có nguy cơ bị tê liệt nghiêm trọng trong mùa mưa bão cực đoan. 

Thành phố Bangkok (Thái Lan) hiện chỉ ở độ cao 1,5 mét so với mực nước biển. Với kết cấu là đất sét đặc, mềm cũng như phải hứng chịu nhiều hậu quả của ngập lụt, thủ đô Thái Lan có thể bị ngập cục bộ. Một số báo cáo cho rằng năm 2030, hầu hết khu vực ven biển Tha Kham, Samut Prakan và sân bay quốc tế Suvarnabhumi có thể ngập trong biển nước. Lượng mưa lớn liên tục, mực nước dâng cao và việc khai thác nước ngầm trong nhiều năm cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Theo Hội đồng Cải cách Quốc gia Thái Lan, thủ đô nước này đang ở trong tình trạng đáng báo động trong 15 năm tới.  Các nhà khoa học cảnh báo Bangkok sẽ chìm hoàn toàn trong thế kỷ tới.

Thành phố Kolkata (Ấn Độ) có thể ngập trong biển nước trước năm 2030 do lũ lụt ập đến và đe dọa đến đời sống người dân. Nơi đây được biết đến với lễ hội thường niên Durga Puja, mang lại cho người dân địa phương và khách du lịch trải nghiệm độc đáo. Tuy nhiên, những người dân nghèo ở Kolkata đối mặt với nhiền thảm họa thiên nhiên.   

Thành phố Barsa (Iraq) có thể bị chìm một phần hoặc thậm chí toàn phần trong vòng 10 năm tới. Đây là một thành phố cảng quan trọng ở Iraq, nằm dọc theo sông Shatt al-Arab. Các dòng chảy nơi đây xuôi về Vịnh Persian, cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt và suối chảy qua thành phố. Tuy nhiên, các khu đầm lầy xung quanh khiến khu vực này dễ dàng bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng. 

Tại Mỹ, dự báo có 2 thành phố Miami và New Orleans cũng đối mặt với nguy cơ tương tự. Mực nước biển tại Miami đang tăng với tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Những năm gần đây, Miami phải đối mặt với lũ lụt, làm ô nhiễm nguồn nước và gây ra thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng có giá trị của thành phố.    

Vị trí đồng bằng sông ở New Orleans càng khiến nơi này dễ ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng và lũ lụt xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, hoạt động của con người như khoan dầu khí cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới. New Orleans có hệ thống đê nổi tiếng, đặc biệt là khu vực xung quanh hồ Maurepas ở phía Bắc và hồ Salvador và hồ Little ở phía Nam. Tuy nhiên, hiện hơn 50% bề rộng của thành phố đã thấp hơn mực nước biển.  

Khác với các thành phố ở vùng nhiệt đới, các thành phố ven biển như Georgetown (Guyana) sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình mực nước biển dâng cao. Theo Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, viễn cảnh Georgetown bị nhấn chìm trong vòng 10 năm là hoàn toàn có thể xảy ra.    

Thành phố Amsterdam (Hà Lan) nổi tiếng ở châu Âu với cuộc sống về đêm cũng đang bị đe dọa do mực nước biển ngày một dâng cao. Phần lớn diện tích của Hà Lan nằm dưới mực nước biển. Gần một thế kỷ qua, Amsterdam được duy trì chủ yếu nhờ hệ thống đập ngăn lũ của thành phố. Những trận lũ lớn trong lịch sử đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, đồng thời nhấn chìm nhiều nhà ở, ô tô cũng như các công trình kiến trúc khác. Dự báo, vị trí của Amsterdam sẽ ngang với mực nước biển trong chưa đầy 10 năm tới.

Thành phố Venice (Italy) vốn thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt và triều cường hằng năm. Năm 2019, đã có 90% diện tích thành phố Venice bị ngập lụt và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn do xói mòn bờ biển. Trong tương lai, với tác động của biến đổi khí hậu khiến mực nước biển ngày càng dâng cao, hiện tượng sụt lún và triều cường thường xuyên hơn hoàn toàn có thể xảy ra với thành phố này. 

Một số thành phố trên thế giới dễ bị ngập hơn những thành phố khác vì nhiều lý do như vị trí thấp, ven biển hoặc các khu vực thường xuyên xảy ra mưa lũ, do biến đổi khí hậu… Dù nhiều thành phố đã chuẩn bị ứng phó cũng như thực hiện các biện pháp bảo vệ, nhưng vẫn đối mặt với hậu quả của xu hướng nóng lên toàn cầu liên tục và các tác động tự nhiên của tình trạng này.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Thủ tướng Ấn Độ khởi động phong trào Mission LiFE chống biến đổi khí hậu
Thủ tướng Ấn Độ khởi động phong trào Mission LiFE chống biến đổi khí hậu

Ngày 20/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khởi động phong trào Mission LiFE (Lối sống vì môi trường) trước sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, người đang có chuyến thăm bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN