Tháo gỡ “nút thắt” tài chính cho KH&CN phát triển

Xây dựng cơ chế quỹ cho hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là giải pháp hiệu quả để đem lại sự phát triển ổn định và bền vững, góp phần tháo gỡ những “nút thắt” trong cơ chế tài chính và đầu tư cho hoạt động KH&CN. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân

 

Rào cản lớn từ cơ chế tài chính


Đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Sau Hội nghị TW2 khóa VIII, vấn đề đầu tư đã được quan tâm đúng mức với việc hàng năm nhà nước dành 2% (khoảng 0,5 - 0,6% GDP) tổng chi ngân sách cho KH&CN.


 

Yếu tố chủ động đầu tư hợp lí cho KH&CN đã tạo ra những dòng sản phẩm đạt chất lượng cao tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, mức đầu tư cho KH&CN đạt 0,5 - 0,6% GDP là không thấp so với các quốc gia trên thế giới. Nhưng trị số tuyệt đối tính trên đầu người dân cũng như tổng đầu tư xã hội cho KH&CN lại thấp nhất khu vực (mức bình quân của các quốc gia trên thế giới là 1.9% GDP, trong đó các quốc gia phát triển chi tới 2,7 - 3,5% GDP cho KH&CN. Ở Việt Nam, mức bình quân trên đầu người chưa đến 10 USD/năm dành cho KH&CN). Hiện tại, cơ chế về tài chính là một trong những rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và sự phát triển của KH&CN. Cho đến nay, hình thức xã hội hóa (đặc biệt là huy động các doanh nghiệp) trong lĩnh vực KH&CN còn ở mức thấp, chưa được 1% GDP. Bên cạnh đó, nguồn chi cho hoạt động KH&CN hiện nay chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước nên nảy sinh những ràng buộc nhất định. Theo giới hoạt động trong lĩnh vực khoa học một số chính sách vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.


Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: Tiền lương tối thiểu đã tăng lên hơn hai lần so với năm 2007 cộng với nhiều biến động về giá cả, đầu tư mua sắm trang thiết bị công nghệ… nhưng việc điều chỉnh chi định mức cho các dự án vẫn chưa kịp thời, thủ tục chi và thanh quyết toán chủ yếu thông qua kho bạc nhà nước nên phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ của Luật Ngân sách cũng như các quy định khác. Chính những ràng buộc trên đã khiến nhiều nhà khoa học không mặn mà với việc đầu tư nghiên cứu, phát triển các công trình, dự án mới. Thậm trí nhiều ý kiến cho rằng, “thời gian làm thủ tục thanh quyết toán còn nhiều hơn thời gian làm nghiên cứu của một đề tài”.


Theo quan điểm của GS. Đặng Văn Hiệu, chính việc bất hợp lý về quản lý các đề tài, dự án khoa học là hạn chế không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của nghiên cứu triển khai KH&CN, đồng thời làm cho giới khoa học dần dần có thói quen không phấn đấu để đạt kết quả khoa học có giá trị mà chỉ cốt làm sao cho đề tài của mình được duyệt, thanh quyết toán tài chính. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra một số hoạt động khoa học nhiều khi còn “chạy” theo bệnh thành tích mà chưa chú trọng đến hiệu quả ứng dụng thực tiễn.


Khó khăn trong cơ chế đãi ngộ đối với đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực khoa học cũng là rào cản kìm hãm sự phát triển của KH&CN. Thứ trưởng Bộ Tài chính, Nguyễn Thị Minh cho rằng: Việc xây dựng cơ chế lương cho đội ngũ hoạt động khoa học đang gặp phải một số vướng mắc do còn nhiều ý kiến trái chiều về định mức tiền lương. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc trả lương cho cán bộ khoa học ở mức khá cao so với mặt bằng chung của xã hội sẽ khiến nhà khoa học yên tâm gắn bó, yên tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, có ý kiến lại lập luận, lương cao như vậy sẽ khiến nhà khoa học có tư tưởng yên vị, không khuyến khích họ sáng tạo và cống hiến nữa… “Bộ KH&CN cần đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn cho “đầu ra” của các đề tài KH&CN” Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh đề xuất.

 

Cơ chế quỹ, hướng phát triển mới cho KHCN


Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, trong Đề án đổi mới sắp tới trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã đề xuất một số giải pháp mang tính đổi mới quyết liệt về cơ chế đầu tư và cơ chế tài chính. Trong đó, ngoài việc bổ sung các nội dung chi, nâng cao định mức chi, các đơn vị sự nghiệp khoa học sẽ được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên không phải theo đầu biên chế như hiện nay mà đổi sang phương thức cấp theo nhiệm vụ, gồm có nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ KH&CN, tức là đề tài, dự án.


Đặc biệt, về lâu dài, bộ đề xuất toàn bộ hoạt động cấp phát kinh phí cho hoạt động nghiên cứu sẽ được chuyển sang cơ chế quỹ, bởi thực tế, hiệu quả của các đề tài khoa học thông qua quỹ cấp phát đã có hiệu quả rất tốt. Số lượng đề tài khoa học công bố quốc tế tăng hơn so với giai đoạn trước đây và rất nhiều đề tài dự án được các nhà khoa học thực hiện thành công. Hệ thống các quỹ như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia… sẽ đảm đương vai trò cấp phát tài chính cho các đề tài, dự án KH&CN. Việc xây dựng các quỹ khoa học sẽ được triển khai ở từng địa phương, tại các doanh nghiệp khoa học công nghệ, sau đó mô hình phát triển quỹ này sẽ được khuyến khích nhân rộng ở tất các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Trong quá trình hoạt động hàng năm, các địa phương và doanh nghiệp sẽ dành ra các khoản kinh phí nhất định để đóng góp vào quỹ khoa học. Doanh nghiệp sẽ dành ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư cho phát triển KH&CN của chính doanh nghiệp đó (mô hình này đã được vận dụng rất thành công tại Tập đoàn Viettel, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông,…). Số kinh phí đó sẽ đưa vào quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp hoặc quỹ phát triển KH&CN của địa phương.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác xã hội hóa đầu tư cho KH&CN. Các doanh nghiệp sẽ cùng gánh vác và chia sẻ với ngân sách nhà nước trong việc đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học. Đồng thời, giải pháp trên cũng sẽ giảm bớt thủ tục, phiền hà trong thanh quyết toán đối với các đề tài, dự án cũng như việc cấp phát kinh phí kịp thời cho các ý tưởng của cộng đồng khoa học.


Ngũ Hiệp

Nâng cao chất lượng truyền thông về khoa học và công nghệ

Ngày 12/7, tại Hòa Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với công tác truyền thông khoa học và công nghệ”, nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông về khoa học và công nghệ,

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN