Công trình phục dựng khuôn mặt người phụ nữ Neanderthal do nhóm nghiên cứu từ các trường Đại học Cambridge và Đại học Liverpool John Moores thực hiện. Nhóm đã đặt tên người phụ nữ này là Shanidar Z, theo tên của hang động tại vùng lãnh thổ người Kurd ở Iraq, nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy hộp sọ của người phụ nữ này hồi năm 2018.
Phần dưới bộ xương của người phụ nữ này đã được phát hiện vào năm 1960 trong cuộc khai quật mang tính đột phá do nhà khảo cổ học người Mỹ Ralph Solecki tiến hành. Địa điểm phát hiện bộ xương là tại hang Shanidar ở miền Bắc Iraq. Trong cuộc khai quật này, ông Ralph Solecki còn phát hiện ít nhất 10 hài cốt người Neanderthal. Việc phát hiện nhiều hài cốt người Neanderthal, trong đó có hài cốt được bao quanh bởi những bụi phấn hoa, khiến ông Solecki khi đó đưa ra lập luận đây là bằng chứng về các nghi thức tang lễ của người Neanderthal, trong đó thi hài người chết được đặt trên hoa.
Do những rào cản chính trị, phải 50 năm sau, nhóm nghiên cứu của các trường Đại học Cambridge và Đại học Liverpool John Moores mới trở lại khu vực khai quật tại vùng núi Zagros, miền Bắc Iraq, và năm 2018 đã tìm thấy hộp sọ của Shanidar Z. Theo ghi chép, người Neanderthal cuối cùng chết một cách bí ẩn vào khoảng 40.000 năm trước đây, chỉ vài nghìn năm sau khi con người xuất hiện.
Hộp sọ của Shanidar Z được cho là hộp sọ người Neanderthal được bảo quản tốt nhất trong thế kỷ này. Khi được tìm thấy, hộp sọ bị bẹp và chỉ dày 2cm. Các nhà khoa học cho rằng nhiều khả năng một tảng đá to đã rơi xuống thi thể sau khi người phụ nữ này chết.
Giáo sư Graeme Barker thuộc Viện nghiên cứu khảo cổ McDonald của Đại học Cambridge, người từng dẫn đầu nhóm khảo cổ khai quật hang Shanidar, cho biết nhóm nghiên cứu muốn thử xác định niên đại của những ngôi mộ này nhằm tìm hiểu rõ nguyên nhân người Neanderthal tuyệt chủng. Theo lập luận của Giáo sư Chris Hunt thuộc Đại học John Moores, trưởng nhóm nghiên cứu, việc tìm thấy phấn hoa ở phần mộ của người Neanderthals trên thực tế có thể bắt nguồn từ những con ong đào từ dưới đáy hang.
Chuyên gia về bảo tồn Lucia Lopez-Polin đã ghép hơn 200 mảnh sọ lại với nhau như bước đầu tiên để phục dựng khuôn mặt của Shanidar Z nhằm phục vụ bộ phim tài liệu mới ra mắt của Netflix có tên "Bí mật của người Neanderthal". Sau đó, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo hộp sọ trước khi chuyển sang quá trình tái tạo các lớp cơ và da do hai nhà cổ sinh vật học Adrie và Alfons Kennis ở Hà Lan thực hiện.
Theo nhà nhân chủng học cổ đại Emma Pomeroy thuộc Đại học Cambridge, hộp sọ của người Neanderthal với những đường lông mày khổng lồ và không có cằm, dường như rất khác so với hộp sọ của con người. Tuy nhiên, bà cho biết khuôn mặt được tái tạo của Shanidar Z cho thấy không khác biệt hoàn toàn. Bà cho rằng sự gần gũi giữa người Neanderthal và loài người hiện đại đến mức "hầu hết mỗi người còn sống ngày nay vẫn có ADN của người Neanderthal".