Phát hiện 'siêu năng lực' giúp rùa biển tìm đường quay lại nơi làm tổ và kiếm ăn

Rùa biển nổi tiếng với hành trình di cư đáng kinh ngạc khi di chuyển hàng nghìn km qua các đại dương rộng lớn.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature ngày 12/2 cho thấy rùa quản đồng (loggerhead turtle), loài rùa biển làm tổ nhiều nhất tại Mỹ, không chỉ có thể sử dụng từ trường Trái đất như một la bàn để xác định phương hướng mà còn tận dụng nó để tạo ra những bản đồ "cá nhân" về môi trường xung quanh, đặc biệt là những khu vực quan trọng như bãi đẻ trứng hoặc nguồn thức ăn.

Một số loài động vật di cư trên khắp thế giới, như chim, cá hồi, tôm hùm và rùa biển, vốn được biết là định hướng bằng các đường sức từ trải dài từ cực Bắc đến cực Nam của Trái đất. Theo giới khoa học, các loài động vật sử dụng từ tính này như một la bàn để xác định vị trí.

Trong nghiên cứu mới do bà Kayla Goforth thuộc Đại học North Carolina dẫn đầu, các nhà khoa học đã quan sát thấy một hiện tượng thú vị được gọi là "vũ điệu của rùa". Họ đã đặt những con rùa quản đồng non vào trong bể nước được bao quanh một cuộn dây từ mô phỏng từ trường của Đại Tây Dương.

Hằng ngày và liên tục trong 2 tháng, các nhà khoa học thay đổi từ trường của bể nước qua bờ biển Bắc Mỹ và Vịnh Mexico. Tuy nhiên, rùa chỉ được cho ăn khi chúng nhận được thông tin từ tính của một trong những khu vực trên. Khi rùa biết sắp được cho ăn, chúng bơi quanh, há miệng và quay tròn trong nước. Qua quan sát, những con rùa quản đồng non đã có những hành vi đặc trưng: Chúng bơi lội, quay tròn và mở miệng như thể đang tìm kiếm thức ăn.

Điều này cho thấy rùa biển có khả năng nhận biết và ghi nhớ đặc điểm từ trường của từng khu vực địa lý. Thậm chí ngay cả khi thử nghiệm 4 tháng sau, những con rùa vẫn biết được chính xác nơi chúng được cho ăn.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện khả năng lập bản đồ từ trường này của rùa biển là hoàn toàn độc lập với khả năng cảm nhận từ trường để định hướng. Các nhà khoa học tin rằng rùa biển sở hữu hai hệ thống cảm nhận từ trường riêng biệt, một hệ thống giúp chúng xác định phương hướng và một hệ thống khác giúp chúng tạo ra bản đồ.

Dù chưa xác định được cách thức chính xác giúp rùa biển xử lý loại “siêu năng lực” này, song nghiên cứu cung cấp bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy một loài động vật có thể học và ghi nhớ đặc trưng từ trường tự nhiên của một khu vực địa lý.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Trang bị kỹ năng cứu hộ rùa biển cho cán bộ quản lý, ngư dân
Trang bị kỹ năng cứu hộ rùa biển cho cán bộ quản lý, ngư dân

Ngày 13/11, tại Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN Việt Nam), Tổ chức bảo vệ động vật Humane Society International (HSI) tổ chức Chương trình “Tập huấn hướng dẫn cứu hộ rùa biển, thú biển và thu thập thông tin khai thác không chủ ý nhóm loài rùa biển, thú biển”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN