Phát hiện loài báo đen châu Phi quý hiếm

Các nhà khoa học đã xác nhận sự xuất hiện của loài báo đen ở miền trung Kenya với một loạt hình ảnh hiếm hoi được chụp bằng bẫy ảnh.

Chú thích ảnh
Một con báo đen ở miền trung Kenya. Nguồn: theguardian.com

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, nhóm nghiên cứu của Vườn thú San Diego do Tiến sỹ Nicholas Pilfold đứng đầu và nhiếp ảnh gia độc lập khác Will Burrard-Lucas đã công bố một loạt bức ảnh về loài báo đen châu Phi quý hiếm trên Tạp chí Sinh thái học châu Phi tháng 1/2019.

Loạt ảnh đã cho thấy những đồn đoán về loài báo đen thoắt ẩn, thoắt hiện tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Loisaba, miền Trung Kenya là chính xác. Các nhà nghiên cứu khẳng định những bức ảnh là sự xác nhận khoa học đầu tiên sau hơn một thế kỷ về sự hiện diện của cá thể báo đen ở châu Phi. Những bức ảnh mới với chất lượng và độ chi tiết cho phép các nhà khoa học khẳng định các đặc điểm của cá thể báo đen được ghi nhận. Trong những năm gần đây, địa phận hạt Laikipia, Kenya là khu vực duy nhất ở châu Phi ghi nhận sự xuất hiện của loài báo đen.

Báo cáo chính thức trước đó về cá thể báo đen châu Phi là bức ảnh chụp tại Addis Ababa, Ethiopia năm 1909 và đang được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ.

Năm 2013, nhà báo Phoebe Okall cũng công bố một số bức ảnh về loài báo đen chụp tại Khu bảo tồn phục vụ giải trí Ol Jogi, Laikipia, Kenya, nhưng đó là những bức ảnh chụp con báo đen được nuôi dưỡng, không phải ngoài tự nhiên. Đồng thời, những bức ảnh này chưa đáp ứng được các yêu cầu khoa học để xác nhận đặc điểm cá thể báo được chụp.

Tiến sỹ Pilford cho biết khi nhận được tin đồn về sự xuất hiện của loài báo đen, tháng 2/2018, nhóm nghiên cứu của Vườn thú San Diego đã đặt 8 camera bẫy và theo dõi trong 3 tháng sau đó, ghi lại nhiều hình ảnh về một con báo cái gần trưởng thành. Ông Nicholas Pilfold cho rằng: “chắc chắn có 2 con, có thể có 3 con” báo đen hoang dã tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Loisaba. Tuy nhiên, rất khó khẳng định chính xác vì loài báo đen tương đối hiếm và hoạt động kín đáo. Nhà nghiên cứu đánh giá: “Cho đến nay, đây là những hình ảnh đẹp nhất, chân thực nhất chúng ta có được về một con báo đen ở châu Phi. Trước đây chưa từng có bất kỳ bức ảnh khoa học tương tự như vậy.” 

Nhiếp ảnh gia độc lập Will Burrard-Lucas đã sử dụng bẫy camera hiệu Camtraptions (có điều khiển từ xa) và chụp được hình ảnh của cùng một con báo với nhóm nghiên cứu trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Loisaba và đồng công bố với nhóm nghiên cứu của Vườn thú San Diego.

Hắc tố là một dạng đột biến di truyền, khiến lông hoặc da của động vật trở thành màu đen. Bất kỳ loài mèo lớn nào có hắc tố đều được coi là báo đen, như báo đen ở châu Á, châu Phi và báo đốm đen ở châu Mỹ. Theo Pilford, trên toàn thế giới, số lượng báo đen chỉ chiếm 11% tổng số cá thể báo. Không nhất thiết bố mẹ của một con báo đen phải là loài báo đen mà quan trọng là những con báo bố mẹ phải có hắc tố trội. Các nhà khoa học đã chứng thực rõ ràng về sự tồn tại của loài báo đen tại Đông Nam Á, nhưng sự hiện diện của chúng ở châu Phi lại ít được khoa học ghi nhận.

Đình Lượng (TTXVN)
Phát hiện loài cá mập thích ăn chay đầu tiên trên thế giới
Phát hiện loài cá mập thích ăn chay đầu tiên trên thế giới

Lâu nay, cá mập đầu búa vốn được biết đến là "hung thần" đối với các loài cá nhỏ dưới đại dương, còn tảo biển chỉ là loại thức ăn mà chúng vô tình nuốt phải khi săn mồi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN