Hố đen mới cách Trái Đất 1.000 năm ánh sáng được đặt tên là HR-6819.
Theo RT (Nga), ban đầu các nhà khoa học ESO dùng kính thiên văn có khẩu độ 2,2m tại Đài quan sát La Silla tại Chile theo dõi một hệ thống sao nhị phân. Khi phân tích dữ liệu, nhóm khoa học nhận ra một trong hai ngôi sao quay quanh một vật thể vô hình có khối lượng nặng gấp bốn lần khối lượng Mặt trời theo quỹ đạo 40 ngày, trong khi ngôi sao còn lại nằm ở khoảng cách xa đáng kể.
“Chúng tôi thực sự kinh ngạc khi nhận ra đây là hệ thống sao đầu tiên có hố đen có thể nhìn thấy bằng mắt thường”, ông Petr Hadrava - nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Séc đồng thời là một trong những tác giả của nghiên cứu – cho biết.
Trên thực tế, trong đêm tối quang mây, người ở tại Bán cầu Nam có thể nhìn thấy hệ thống HR 6819 rõ ràng mà không cần ống nhòm hoặc kính viễn vọng. Các nhà khoa học tin rằng có thể phát hiện rất nhiều hố đen tương tự trong tương lai.
“Hệ thống sao này chứa hố đen có khoảng cách gần nhất với Trái Đất từ trước đến nay”, nhà khoa học Thomas Rivinius chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà thiên văn đã phát hiện ra hàng chục hố đen trong Dải ngân hà. Tuy nhiên, phần lớn các hố đen đó tương tác rất mạnh với môi trường xung quanh và giải phóng các tia X trong quá trình tương tác. Khác với các hố đen trước, HR 6819 hoạt động âm thầm và không giải phóng tia X.
“Chắc chắn có hàng trăm triệu hố đen ở ngoài đó, nhưng chúng ta mới chỉ biết một vài trong số đó. Biết rõ điều cần tìm sẽ giúp chúng ta sớm đạt được kết quả”, nhà nghiên cứu Rivinius khẳng định. Dựa trên những gì quan sát được về HR 6819, các nhà thiên văn học đang hướng sự chú ý về một hệ thống sao nhị phân khác có tên gọi LB-1 để tìm hố đen tương tự.