Nghiên cứu do Viện Sức khỏe toàn cầu George thực hiện dựa trên dữ liệu của 3 cuộc khảo sát trực tuyến trong vòng 6 tuần đối với 8.000 người trưởng thành là đại diện cho những người sử dụng đồ uống có cồn ở Australia.
Một số người tham gia khảo sát được tiếp cận những thông tin tuyên truyền rộng rãi rằng uống nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, một số khác được thông tin đơn giản về cách thay đổi thói quen uống rượu trong khi một nhóm người khác được tiếp cận cả hai hình thức tuyên truyền trên.
Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Simone Pettigrew cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy việc kết hợp tuyên truyền thông tin về hệ quả của việc uống rượu liên quan đến bệnh ung thư với việc thực hiện một hành động thực tế - ước tính số lượng rượu mà họ uống, đã đem lại hiệu quả là người uống đã giảm số lượng rượu.
Theo Giáo sư Pettigrew, nhiều người không biết đồ uống có cồn là nguồn gây ung thư, trong khi nguồn lực dành cho các chiến dịch nhằm giảm thiểu tác hại của rượu lại rất hạn chế. Do đó điều quan trọng là phải đưa ra những thông điệp có sức lan tỏa nhất để bảo đảm người uống có cơ hội thực hiện tốt nhất.
Ước tính, cứ 6 người Australia thì có 1 người uống rượu ở mức dẫn đến nguy cơ mắc một bệnh liên quan hoặc thương tích trong suốt cuộc đời, và cứ 4 người thì có 1 người uống rượu ở mức có nguy cơ bị tổn thương vào một thời điểm nào đó, ít nhất là hàng tháng.
Giáo sư Pettigrew cho rằng sử dụng đồ uống có cồn gây hại cho sức khỏe là một vấn đề lớn ở Australia, liên quan đến sự tăng nguy cơ thương tích, mắc bệnh mãn tính, trong đó có ung thư do rượu, và thậm chí tử vong sớm. Không chỉ những người nghiện rượu nặng mà ngay cả những người uống rượu ở mức vừa phải cũng có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.