Nhiều ý kiến phản biện về công nghệ làm sạch nước sông Tô Lịch của Nhật Bản

Xung quanh việc Công ty Cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (JVE) của Nhật Bản thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor để làm sạch nước ô nhiễm tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây trong tháng 7/2019 bước đầu cho kết quả khả quan và đề xuất nhân ra diện rộng; vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều bày tỏ sự nghi ngại về phương pháp này.

Nhiều chuyên gia Việt Nam cho rằng, “khả năng cung cấp oxi vô tận” sau khi áp dụng công nghệ Nano - Bioreactor làm sạch nước ô nhiễm là không thể, vì các thiết bị hoạt động (máy tạo khí) cần phải cung cấp điện năng, như vậy nếu ngưng cung cấp điện cho thiết bị cũng đồng nghĩa là khả năng cấp bọt khí - oxi dừng theo.

Chú thích ảnh
Lắp đặt thiết bị công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch nước sông Tô Lịch.

Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, hiện có 2 yếu tố để tạo ra oxy, gồm: Hệ thống máy Nano (có dùng điện) tạo oxy trực tiếp và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor được làm từ đá núi lửa dạng tổ ong, xốp, sản xuất tại Nhật Bản, không cần nguồn điện, tạo oxy từ nước thông qua cơ chế cung cấp các “giá thể” dạng tổ ong để vi sinh vật trú ngụ, phát triển, kích hoạt các vi sinh vật hoạt động để tiết ra nhiều enzyme.

Theo nghiên cứu khoa học tại Nhật Bản, enzym có tính lưỡng tính, tùy dộ pH của môi trường mà tồn tại ở các dạng: Cation (ion dương), anion (ion âm) hay trung hòa điện. Các enzyme này cung cấp năng lượng liên tục cho phân tử nước làm cắt được mạch liên kết H-O-H, từ đó phân tử nước diễn ra giống quá trình điện phân theo phản ứng 2H2O→2H2+O2, giải phóng oxy từ trong phân tử nước từ đó và cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh mà không cần dùng đến điện năng.

Chú thích ảnh
Chuyên gia Nhật Bản tắm bằng nước sông Tô Lịch sau khi được sử lý bằng công nghệ Nano-Bioreactor.

Thực tế, công nghệ Bioreactor đầu tiên đã thực hiện ngày 17/5/2017 tại hồ Hạnh Phúc, quận Kiến An, TP Hải Phòng. Sau 2 tháng triển khai và theo dõi tiếp sau hơn 2 năm, kết quả phân tích của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan trong nước vẫn luôn duy trì, cá sinh trưởng tốt, không bị tái ô nhiễm.

Mặt khác, theo không ít ý kiến chuyên gia trong nước, giải pháp Nano - Bioreactor không kích hoạt đủ số lượng vi sinh vật, mà cần kết hợp việc sử dụng các loại thực vật nước mới mang lại hiệu quả. Về vấn đề này, Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản khẳng định, công nghệ Nano tại các dự án đang thực hiện tại Việt Nam đều có số liệu khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phân tích chất lượng nước, đánh giá việc thay đổi lượng vi sinh vật có hại và có lợi tăng giảm cụ thể, thậm chí số lượng vi sinh vật có lợi còn tăng tới hàng chục ngàn lần. Đơn cử, tại dự án xử lý nước thải hồ Hùng Thắng (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), theo số liệu phân tích của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chủng vi sinh vật có lợi là Bacillus sau 1 tháng xử lý đã tăng 60.000 lần, sau 1,5 tháng đã tăng 80.000 lần.

Cũng có ý kiến phản biện, công nghệ này của Nhật Bản chưa đáp ứng được thời gian xử lý, phục hồi nguồn nước ô nhiễm và cần tới 2 - 3 tháng mới có thể phục hồi.

Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản khẳng định, quy trình xử lý bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đang áp dụng tại sông Tô Lịch là sau khi phân hủy lượng bùn hữu cơ ô nhiễm ở tầng đáy thành khí CO2 và nước H2O, thì dù nước thải từ bên ngoài có đổ vào liên tục hàng ngày, nhưng sẽ được xử lý ngay trong ngày, mà không cần thu gom, tách nước thải từ nguồn, không luân chuyển nước thải đi nơi khác, không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu. Còn thời gian 2 - 3 tháng là cả xử lý phân hủy bùn hữu cơ mà không cần nạo vét cơ học.

Vì vậy, theo JVE, những kết quả khả quan qua phân tích cần có môi trường đánh giá chính xác về không gian, thời gian và cần được áp dụng trên diện tích sông hồ bị ô nhiễm lớn, mới mang lại hiểu quả thiết thực.

Kết quả thử nghiệm bằng công nghệ Nano - Bioreactor trên sông Tô lịch sau khi xử lý đạt được 6 tiêu chí:
Xử lý triệt để mùi hôi thối; phân hủy một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông; xử lý lượng nước thải hằng ngày chảy vào sông và xử lý tận gốc nguồn nước đang bị ô nhiễm ở bên trong, mà không cần thu gom, tách nước thải; bảo tồn hệ sinh thái thủy sinh phát triển tốt; nước tại vị trí thí điểm đạt tiêu chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường; không gây ô nhiễm thứ cấp (không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu, không nạo vét bùn mang đi nơi khác gây ô nhiễm tại khu vực đổ thải).

 

Lê Phú/Báo Tin tức
Chuyên gia Nhật Bản tắm bằng nước sông Tô Lịch đã qua xử lý
Chuyên gia Nhật Bản tắm bằng nước sông Tô Lịch đã qua xử lý

Chuyên gia Nhật Bản đã quyết định tắm bằng nước sông Tô Lịch (Hà Nội) được xử lý bằng công nghệ Nano - Bioreactor.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN