Làm sạch không khí có thể cứu sống 2 triệu người mỗi năm

Làm sạch bầu không khí có thể cứu sống 2 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm chứ không chỉ ở những nước bị ô nhiễm nặng nhất. Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ được công bố ngày 16/6 trên Tạp chí Khoa học Môi trường và Công nghệ của nước này.

Ảnh minh họa.


Nghiên cứu cho thấy những nước có bầu không khí ô nhiễm như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga có thể cứu sống 1,4 triệu người mỗi năm nếu đạt được những mục tiêu về giảm ô nhiễm do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra. Ngoài ra, việc đạt những mục tiêu này ở những khu vực có mức độ ô nhiễm ít hơn cũng có thể giúp giảm hơn một nửa triệu người chết yểu mỗi năm.

Theo đồng tác giả của nghiên cứu trên, ông Julian Marshall thuộc Đại học Minnesota, việc làm sạch bầu không khí không chỉ có ý nghĩa quan trọng ở những khu vực bị ô nhiệm nặng nhất trên thế giới mà còn ở những quốc gia có bầu không khí trong lành hơn như Mỹ, Canada và các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Theo WHO, tình trạng ô nhiễm không khí đặc biệt là do các hạt vật chất có kích thước rất nhỏ (PM) gây ra, được cho là nguyên nhân làm 3,2 triệu người chết trên thế giới mỗi năm do hít phải những hạt này. Cũng về vấn đề trên, tác giả chính của nghiên cứu, ông Joshua Apte cho biết các PM có thể gây ra những bệnh như tim mạch, đột quỵ, tràn khí và ung thư phổi.


Những hạt này được sinh ra trong quá trình đốt than đá tại các nhà máy điện sử dụng than đá làm nhiên liệu, từ khói ô tô và khí thải công nghiệp. Tại những nước có thu nhập thấp, chúng được sinh ra từ việc đốt than đá, đốt củi và những chất đốt khác dùng để nấu nướng và sưởi ấm trong các hộ gia đình.

Cũng theo nghiên cứu nói trên, phần lớn người dân trên thế giới hiện đang đang sống trong môi trường có nồng độ 10 micrôgam (mcg) PM trong 1 lít không khí - mức tối đa được WHO cho phép. Tuy nhiên, tại Ấn Độ và Trung Quốc, các PM trong không khí có thể đạt mức 100 mcg.

TTXVN/Tin tức
Hậu quả nghiêm trọng từ ô nhiễm không khí đô thị
Hậu quả nghiêm trọng từ ô nhiễm không khí đô thị

Đa phần các đô thị lớn tại Việt Nam phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, đặc biệt là xu hướng tăng nồng độ khí Ozone (O3), loại khí gây nhiều bệnh về hô hấp, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN