Hậu quả nghiêm trọng từ ô nhiễm không khí đô thị

Đa phần các đô thị lớn tại Việt Nam phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, đặc biệt là xu hướng tăng nồng độ khí Ozone (O3), loại khí gây nhiều bệnh về hô hấp, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người… Đó là những cảnh báo được đưa ra trong Lễ công bố Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2013, do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 18/9, tại Hà Nội.


Nhiều chỉ số vượt quá ngưỡng


Trong 20 năm gần đây, số lượng đô thị ở nước ta tăng nhanh, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, các đô thị đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng, đặc biệt, hai thành phố lớn, trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

 

Có thời điểm mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội vượt ngưỡng cho phép gấp 2 - 6 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.
Ảnh: Minh Quyết - TTXVN


Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các đô thị đang ở mức báo động. Điển hình như Hà Nội, số ngày có AQI ở mức kém ngày càng tăng, giai đoạn 2010 - 2013 chiếm tới 40 - 60% tổng số ngày quan trắc hàng năm và có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại các đô thị là từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, phương tiện vận tải và sinh hoạt của con người…


Môi trường không khí tại các đô thị chịu ảnh hưởng tổng hợp từ nhiều nguồn thải, trong số đó, nồng độ bụi cao vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất. Tại các điểm quan trắc cạnh đường giao thông, số ngày có giá trị AQI không bảo đảm ngưỡng khuyến cáo an toàn đối với sức khỏe cộng đồng do nồng độ bụi vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam (QCVN) chiếm tỷ lệ lớn. Đơn cử như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Quảng Ninh, có những thời điểm, mức độ ô nhiễm ở các đô thị này vượt ngưỡng cho phép gấp 2 - 6 lần QCVN. Tại các vùng kinh tế trọng điểm như vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vượt 42%, vùng kinh tế trọng điểm miền Nam là 44% và kinh tế trọng điểm phía Bắc vượt 68% so với QCVN.


Cùng với đó, việc gia tăng nồng độ khí O3 tại Việt Nam cũng là vấn đề đáng lo ngại. Theo báo cáo môi trường quốc gia, từ năm 2013, số liệu quan trắc liên tục tự động từ một số trạm ven đường cho thấy nồng độ khí O3 ở Việt Nam có xu hướng tăng đáng kể và rõ rệt. Nồng độ O3 ở lớp không khí gần mặt đất tương đối cao và đặc biệt có một số thời điểm O3 cao về đêm. Một số nghiên cứu diễn giải sự xuất hiện nồng độ O3 cao là do chịu ảnh hưởng bởi một số nguồn gây ô nhiễm khác ngoài bức xạ mặt trời. Ô nhiễm O3 có thể gây các bệnh về hô hấp như: Hen suyễn, khí phế thủng, viêm phế quản mạn, bệnh viêm phổi…


Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe


Ô nhiễm không khí có những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đường hô hấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi môi trường không khí bị ô nhiễm thì sức khỏe con người bị suy giảm, chức năng của phổi cũng bị suy giảm, gây các bệnh về đường hô hấp và giảm tuổi thọ. Nguy hiểm nhất là có thể gây ra bệnh ung thư phổi.


Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc và một trong các nguyên nhân là do ô nhiễm không khí. Các đô thị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. TP Hồ Chí Minh là khu vực có tỷ lệ người mắc bệnh đường hô hấp cao gấp nhiều lần so với đô thị khác và có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao nhất cả nước. Tiếp đến là Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Phòng. Tỷ lệ bệnh nhân lao phát hiện năm 2011 tại các địa phương này cao gấp 10 - 15 lần so với những địa phương như Bắc Kạn, Điện Biên.


Ô nhiễm không khí cũng gây nên những thiệt hại về kinh tế, với những khoản chi phí về khám, chữa bệnh do ô nhiễm không khí. Theo kết quả điều tra của Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tháng 12/2010, tổng chi phí khám, chữa bệnh về đường hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm… đối với dân cư ở nội thành Hà Nội là 1.538 đồng/người/ngày, TP Hồ Chí Minh là 729 đồng/người/ngày. Từ số liệu trên có thể quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp ở Hà Nội (tính với 2,5 triệu dân nội thành) là 66,83 triệu USD/năm và TP Hồ Chí Minh (tính với 5,6 triệu dân nội thành) là 70,96 triệu USD/năm.


Ngoài vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm không khí còn là mối đe dọa nghiêm trọng tới sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, tăng những nguy cơ về biến đổi khí hậu.


Thu Trang

Bị phạt 200 triệu đồng do gây ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông
Bị phạt 200 triệu đồng do gây ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông

Ngày 4/9 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trần Lưu Quang ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Dương (Công ty Hải Dương) tại ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) do ông Trương Việt Hùng sinh năm 1965 làm quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN