Đài Sputnik (Nga) dẫn nguồn báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 20/5 đưa tin, một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Utah và Đại học Stanford (Mỹ) đã thành công trong thử nghiệm kiểm soát hành vi lựa chọn của hai con khỉ, bằng cách tác động sóng siêu âm vào não chúng.
Nhóm nghiên cứu đã truyền sóng âm thanh tần số cao đến não của hai con vật bằng thiết bị không xâm lấn, tương tự như thiết bị siêu âm được sử dụng trong y tế. Các nhà khoa học đã đặt hai con khỉ trước một màn hình hiển thị mục tiêu ở giữa cùng với các mục tiêu khác xuất hiện liên tiếp ở cả bên trái và bên phải. Đáng chú ý là hai con khỉ dường như luôn nhìn vào mục tiêu đầu tiên.
Tuy nhiên, hành vi của chúng đã bắt đầu thay đổi sau khi các nhà khoa học truyền sóng siêu âm cường độ thấp vào vỏ não trước - khu vực kiểm soát chuyển động mắt của con vật. Sóng này đã kích hoạt một số tế bào thần kinh nhất định, giúp nhóm nghiên cứu điều khiển con vật nhìn sang trái hoặc phải.
Theo tài liệu nghiên cứu, khi khu vực vỏ não trước bên trái được kích hoạt sóng siêu âm, hai con khỉ sẽ nhìn sang bên phải, và khi sóng siêu âm được truyền sang bên đối diện, các con vật nhìn về phía bên trái.
Bằng cách tác động vào vỏ não vận động, không liên quan đến hành vi lựa chọn nhận thức, nhóm nghiên cứu nhận thấy không có ảnh hưởng nào đến sự lựa chọn của khỉ.
“Tác động của kỹ thuật điều chỉnh thần kinh bằng sóng siêu âm đối với hành vi dường như có hiệu quả tối ưu nhất khi đối tượng đưa ra quyết định”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Các nhà khoa học cho rằng có thể áp dụng kỹ thuật này để thay đổi hành vi của con người sau khi xác định chính xác các mạch liên quan đến các rối loạn não khác nhau, chẳng hạn như điều trị nghiện ma túy cho con người.
“Kết quả này đã giúp con người tiến gần hơn đến việc điều chỉnh hoạt động thần kinh trong các mạch não cụ thể. Từ đó, mở đường cho các nghiên cứu về chức năng não ở người và hướng đến các phương pháp điều trị rối loạn não cá nhân hóa”, nhóm nghiên cứu viết.
Ông Jan Kubanek, Giáo sư trợ lý về kỹ thuật y sinh tại Đại học Utah, cho biết sự khác biệt trong phương pháp này là do không xâm lấn, chỉ nhắm vào một số phần nhất định của não, không giống như các kỹ thuật điều trị thần kinh hiện có.