Thư viện "tận thế" được xây dựng dưới lòng đất sâu 150 m. |
Theo kênh truyền hình CNN, thư viện ngầm với tên gọi “Kho lưu trữ Thế giới Bắc cực” có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: Bảo vệ các dữ liệu quan trọng về mặt khoa học và lịch sử của thế giới trong trường hợp có thảm họa tận thế xảy ra. Nơi này tiếp nhận mọi dữ liệu, từ tạp chí khoa học cho đến bất kỳ công trình nghiên cứu nào.
Do được thiết kế sâu dưới lòng đất nên thư viện này được bảo vệ khỏi các tác động từ một vụ tấn công hạt nhân. Trong khi đó, thông tin không được để trong máy tính đề phòng trường hợp bị can thiệp tấn công mạng. Môi trường tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu là điều kiện hoàn hảo để lưu trữ thông tin trong hàng thế kỷ.
“Đây là một phương pháp độc đáo và cực kỳ an toàn để thế hệ tương lai nhận được thông tin trong quá khứ”, quản lý dự án Katrine Thomson của Piql – công ty Na Uy đứng sau công trình này – cho biết. “Khối lượng dữ liệu mỗi năm lại một tăng, và không còn cách nào khác để bảo quản các nguồn tài liệu này hữu hiệu hơn”.
Tấm cảm quang lưu trữ thông tin được mã hóa. |
Công ty Piql đã chi hơn 33 triệu USD để phát triển công nghệ mới nhằm lưu trữ thông tin trong khoảng thời gian dài. Công ty miêu tả vị trí hiện giờ của thư viện nằm trên quần đảo của Na Uy – được xác định là khu phi quân sự bởi 42 quốc gia và là “nơi an toàn nhất trên hành tinh để xây dựng ‘sứ quán số’”.
Công nghệ của Piql cho phép các dữ liệu dạng chữ, phim và ảnh chuyển thành dạng mật mã đôi, in lên tấm cảm quang và cuộn trong các ống giữ dưới thư viện. Công ty cho biết việc lưu trữ thông tin dạng này có thể bảo vệ được tới hơn 500 năm. Khách hàng có thể khôi phục lại thông tin bị mã hóa bằng một máy scan đặc biệt do Piql sản xuất.
Công ty này đang kêu gọi các chính phủ, tập đoàn và cá nhân tham gia vào dự án để tiếp tục dự trữ dữ liệu cho thế hệ tương lai. Tại thời điểm hiện tại, chỉ có 3 nước Na Uy, Brazil và Mexico cập nhật thông tin.
Nhiệm vụ của “Kho lưu trữ Thế giới Bắc cực” được cho là giống với “Hầm ngầm tận thế hạt giống nhân loại” cũng được xây dựng tại đảo Svalbard từ năm 2008. Các nhà khoa học ước tính đang có 556 triệu hạt giống đang được lưu giữ cẩn thận trong môi trường nhiệt độ -18 độ C dưới hầm. Năm 2015, các nhà khoa học tại Syria đã sử dụng những hạt giống trong hầm chứa trên để thay thế các hạt giống bị “thất truyền” do cuộc nội chiến kéo dài.