Kết quả ra đời là thiết bị hai chiều có khả năng tạo điện từ sóng WiFi truyền qua nó. Báo Daily Mail dẫn công trình khoa học từ nhóm nghiên cứu thuộc Đại học kỹ thuật Massachusetts (MIT), Mỹ đưa tin sóng WiFi có thể trở thành một nguồn năng lượng dồi dào nhờ chất bán dẫn vượt trội có khả năng chuyển hóa tín hiệu thành dòng điện trực tiếp hữu ích. Thiết bị chuyển hóa có tên gọi Antennas làm nhiệm vụ chuyển dòng điện xoay chiều AC sang điện một chiều DC phục vụ cho các thiết bị điện, trong đó có điện thoại di động. Loại thiết bị chuyển hóa mới sẽ bắt sóng WiFi và chuyển hóa thành năng lượng không dây sử dụng chất bán dẫn.
“Chúng tôi đã nghĩ ra phương án mới để cung cấp năng lượng cho hệ thống điện lực trong tương lại, bằng cách thu thập năng lượng WiFi từ những khu vực rộng lớn, và đem lại sức sống cho mọi vật xung quanh chúng ta”, Giáo sư Tomás Palacios – đồng tác giả nghiên cứu – giải thích.
Quá trình chuyển hóa cần một thiết bị có tên gọi máy chỉnh lưu. Phần lớn máy chỉnh lưu truyền thống dày và không linh hoạt. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu MIT đã sử dụng một loạt vật liệu siêu mỏng có tên gọi hợp chất molybdenum disulfide (MoS2) – một trong những chất bán dẫn mỏng nhất thế giới – để giải quyết hạn chế này.
“Thiết kế như vậy cho phép chuyển hóa phần lớn sóng vô tuyến từ các thiết bị điện thường ngày, như WiFi, Bluetooth, LTE…” – tác giả Xu Zhang nhận xét.
Trong các lần thử nghiệm, thiết bị của các nhà nghiên cứu có thể sản xuất 40 microwatts năng lượng khi tiếp xúc với tín hiệu Wifi thông thường. Lượng điện đó đủ để làm sáng màn hình điện thoại di động.
Một trong những ứng dụng chuyển hóa sóng thành điện năng là có thể chế tạo ra loại thuốc viên bệnh nhân nuốt vào để truyền tải dữ liệu sức khỏe về máy tính, phục vụ công tác chẩn đoán.
“Lý tưởng là bạn không muốn sử dụng pin để cung cấp năng lượng cho hệ thống, vì nếu như pin rò rỉ nguyên tố liti, bệnh nhân có thể thiệt mạng. Tốt hơn rất nhiều nếu có thể thu thập năng lượng từ môi trường để vận hành các ‘phòng thí nghiệm nhỏ’ trong cơ thể và truyền dữ liệu ra bên ngoài”, Tiến sĩ Jesús Grajal thuộc Đại học Kỹ thuật Madrid – đồng tác giả nghiên cứu cho biết.