Được đến thăm một cơ sở như vậy quả là thú vị đối với các phóng viên nên chúng tôi mang đầy đủ các thiết bị để có thể quay, chụp hình và phỏng vấn. Tuy nhiên khi đã ở trong tòa nhà của Zala Aero, chúng tôi được thông báo không được sử dụng tất cả các thiết bị tác nghiệp, thậm chí cả điện thoại di động, trước cuộc nói chuyện cũng không kém phần ấn tượng này.
Tiếp chúng tôi là hai quan chức quản lý, song chúng tôi được yêu cầu không nêu tên của họ, vì tính nhạy cảm của các thông tin này. Cuộc nói chuyện diễn ra khá thân tình và cởi mở với các phóng viên Việt Nam chúng tôi. Một trong hai quan chức tiếp chúng tôi cảnh báo trước rằng đối với chúng tôi, lĩnh vực UAV còn rất mới mẻ và sẽ còn rất nhiều khía cạnh mà chúng tôi, những phóng viên bình thường, chưa thể biết và hiểu nổi. Điều này cũng dễ hiểu vì chúng tôi hầu như chẳng biết nhiều về kỹ thuật.
Ban đầu, các UAV chủ yếu được sử dụng vào mục đích quân sự. Tuy nhiên hiện nay ngày càng nhiều lĩnh vực dân sự mà ứng dụng UAV đem lại những hiệu quả kinh tế lớn. Đơn cử, một quan chức cho biết Nga là quốc gia vô cùng rộng lớn và hiện việc sử dụng UAV để bảo đảm các hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt của nước này thực sự rất hữu dụng. Hàng ngày, có 60 chuyến bay của UAV để đảm bảo an toàn cho các hệ thống đường ống này và trong vòng 1 tuần, tổng khoảng cách bay của các UAV tương đương với chiều dài đường xích đạo trái đất.
Theo những gì chúng tôi lĩnh hội được qua cuộc trò chuyện, hiện nay UAV có thể sử dụng trong một loạt lĩnh vực dân sự như giám sát hệ thống đường dây tải điện; sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ; bảo vệ môi trường; giám sát rừng; đo đạc và vẽ bản đồ; nông nghiệp chính xác (thu thập dữ liệu khách quan, để tính toán chính xác số lượng hạt giống, lượng nhân công, bón phân có chọn lọc, phát hiện sâu bệnh kịp thời); quản lý đô thị; qui hoạch và xây dựng…
Quả thực UAV dự kiến sẽ là một phương tiện bùng nổ trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Và với các mô hình dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong khi con chịp ngày càng nhỏ bé sẽ giúp các thiết bị bay này thêm tinh xảo, hiệu quả khi sử dụng trong các lĩnh vực kinh tế. Nó có thể thay thế hay thậm chí là thực hiện những công việc mà con người chưa thể thực hiện hoàn hảo như vậy, và điều quan trọng là ở chế độ thời gian thực, nghĩa là có tính liên tục và kế thừa. Nó cũng có thể nhận dạng hay phát hiện chính xác đối tượng với độ sai lệch gần như bằng không, đồng thời thuật toán thông minh sẽ còn đưa nó lên những tầm cao mới…
Hiện nay sản phẩm chính của Zala Aero là các UAV cỡ nhỏ và trung bình, trọng lượng từ 10-30 kg. Ưu điểm của các thiết bị bay này là không cần sân bay, sử dụng “súng” chuyên dụng để phóng lên không trung và thu hồi bằng cách hạ cánh bằng dù. Một chiếc UAV có thể chỉ nặng 10kg song giá thành chủ yếu sẽ phụ thuộc vào các trang thiết bị điện tử bên trong. Có những chiếc UAV chỉ nặng như vậy nhưng được trang bị các hệ thống điện tử tương đương với một chiếc máy bay chở khách hiện đại.
Trang mạng của Zala cũng cho biết hiện hơn 2.000 UAV do công ty này chế tạo đang được sử dụng ở Nga để bảo vệ biên giới quốc gia; tiến hành các hoạt động trinh sát và cứu hộ; giám sát cơ sở hạ tầng dầu khí; kiểm tra và theo dõi các cơ sở có nguy cơ cao và các địa điểm khẩn cấp. Hàng năm, hệ thống UAV của Zala giám sát hơn 5 triệu km đường ống và cơ sở hạ tầng chuyển tải dầu khí, thực hiện hơn 30.000 chuyến bay. Theo hai quan chức Zala, nhờ những kinh nghiệm và thực tế tích góp được từ khi thành lập năm 2003, cho đến này Zala có thể chế tạo được các UAV hoàn toàn tin cậy, có thể chịu được các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, từ -50 độ cho đến +50 độ, với chất lượng cao và đặc biệt về giá thành hoàn toàn có thể cạnh tranh với những đối thủ chính trên thị trường là Mỹ và Israel.
Hai quan chức trên cũng cho biết do nhu cầu hiện nay về UAV, hiện các nhân viên công ty làm việc hầu như không có ngày nghỉ, đồng thời thị trường UAV cũng rất cạnh tranh, công nghệ phát triển từng ngày và phải nỗ lực để không bị tụt hậu. Các đại diện của Zala Aero bày tỏ rất quan tâm đến việc hợp tác ứng dụng hay phát triển UAV ở Việt Nam. Họ khẳng định Zala hoàn toàn có những ưu thế để có thể hợp tác tốt với Việt Nam trong lĩnh vực UAV, đặc biệt khi hai nước LB Nga và Việt Nam từ lâu nay là những bạn bè gần gũi và tin cậy.
Kết thúc buổi trao đổi với các quan chức Zala Aero, tôi chợt hiểu rằng, giống như tiến trình số hóa hiện nay trên thế giới, Việt Nam có lẽ cần xúc tiến thúc đẩy việc ứng dụng và chế tạo UAV phục vụ các lĩnh vực dân sự. Đây có thể được xem như chiến lược để lợi dụng những tiềm năng lớn lao trong kỷ nguyên công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay để phát triển.