Sáng 26/5 tại Hà Nội, Hiệp hội thông tin di động thế giới (GSMA) và Cục Tần số vô tuyến điện đã tổ chức Hội thảo “Tương lai của di động băng rộng tại Việt Nam”. Đây là một chủ đề đang rất được quan tâm và cũng là một câu hỏi lớn được thảo luận tại nhiều diễn đàn trên thế giới.Tại hội thảo, ông Chris Zull, Tổng thư ký khu vực châu Á của GSMA nhận định, dịch vụ băng rộng ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Hiện Việt Nam có trên 30 triệu thuê bao băng rộng, dự kiến con số này tăng gấp 3 lần trong 5 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có khoảng 90 triệu người dùng di động băng rộng vào năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Tần số vô tuyến điện và GSMA. Các nghiên cứu về tác động kinh tế xã hội trong việc phân bổ tần số cho dịch vụ di động có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển băng rộng di động ở Việt Nam.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, cứ 10% tăng trưởng băng rộng di động sẽ tạo ra 1,38% GDP. Việc phát triển nhanh dịch vụ băng rộng di động khiến cho nhu cầu sử dụng tần số là thách thức với các quốc gia. Do đó, việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý băng rộng di động của các nước hết sức quan trọng đối với việc phát triển di động của Việt Nam.
Tại hội thảo, kinh nghiệm của những chuyên gia tới từ các các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực di động băng rộng được chia sẻ và thảo luận đa chiều, trên nhiều phương diện của tương lai vô tuyến băng rộng tại Việt Nam. Cuối năm nay, một chương trình nghị sự về băng tần cho di động băng rộng sẽ được xem xét tại Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC-15).
Hoàng Dương