Trung Quốc 'trình làng' tàu thông minh chạy bằng năng lượng hydro

Trung Quốc vừa giới thiệu tàu "CINOVA H2" thông minh sử dụng năng lượng hydro đầu tiên của nước này, đánh dấu bước phát triển của ngành giao thông trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và góp phần bảo vệ môi trường.

Chú thích ảnh
Gian trưng bày của Trung Quốc tại Triển lãm Công nghệ Vận tải Đường sắt Quốc tế 2024 (InnoTrans 2024) ở Berlin, Đức ngày 24/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn truyền thông địa phương cho biết con tàu trên được giới thiệu tại Triển lãm Công nghệ Vận tải Đường sắt Quốc tế 2024 (InnoTrans 2024)  diễn ra từ ngày 24 - 27/9 tại Berlin (Đức). Công ty phát triển sản phẩm ngành đường sắt có tên giao dịch quốc tế là Qingdao CRRC Sifang Rolling Stock Co., Ltd. thuộc Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRRC) là đơn vị phát triển và sản xuất con tàu này. 

Theo ông Lương Tài Quốc, nhà thiết kế chính của công ty, tàu trên được trang bị pin nhiên liệu hydro, sử dụng phản ứng điện hóa của hydro và oxy để tạo ra năng lượng điện. So với các sản phẩm quốc tế tương tự, CINOVA H2 chạy nhanh hơn và di chuyển được quãng đường dài hơn.

Chú thích ảnh
Hành khách trải nghiệm tàu của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRRC) tại Triển lãm Công nghệ Vận tải Đường sắt Quốc tế 2024 (InnoTrans 2024) ở Berlin, Đức ngày 24/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Đoàn tàu bao gồm 4 toa và được trang bị pin nhiên liệu hydro công suất cao 960 KW, với tốc độ vận hành tối đa 200 km/h. Tàu có phạm vi hành trình dài nhất thế giới, đạt 1.200 km khi chạy với tốc độ 160 km/h, 2.000 km với tốc độ 120 km/h và 3.000 km với tốc độ 80 km/h. Đồng thời, chỉ mất 15 phút để nạp đầy hydro một lần. Tàu có thể được sử dụng ở các khu vực đường sắt không điện khí hóa để thay thế các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong truyền thống.

Toàn bộ quá trình phản ứng của pin nhiên liệu hydro trên tàu chỉ tạo ra nước và tàu không phát thải carbon trong suốt hành trình cũng như không tạo ra bất kỳ chất gây ô nhiễm không khí nào. Dựa trên quãng đường hoạt động trung bình hằng năm là 300.000 km, mỗi đoàn tàu này có thể giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) khoảng 730 tấn/năm.

Bên cạnh đó, nước thải ra từ phản ứng pin nhiên liệu hydro được tinh chế và tái chế, có thể đáp ứng nhu cầu nước cho toàn bộ đoàn tàu. Nhiệt thải làm mát của pin nhiên liệu hydro được tái chế và có thể sử dụng để điều hòa không khí và sưởi ấm vào mùa Đông.

Quang Hưng (TTXVN)
Shinkansen - Tuyến tàu điện cao tốc Nhật Bản làm thay đổi ngành đường sắt thế giới
Shinkansen - Tuyến tàu điện cao tốc Nhật Bản làm thay đổi ngành đường sắt thế giới

Trong sáu thập kỷ kể từ chuyến tàu đầu tiên khởi hành ngày 1/10/1964, tàu Shinkansen (có nghĩa là tuyến đường huyết mạch mới) đã trở thành một biểu tượng cho sức mạnh công nghệ và công nghiệp của Nhật Bản hậu Thế chiến II, góp phần cách mạng hóa hoạt động di chuyển đường dài trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN