Theo nhóm nghiên cứu do nhà thần kinh học Francesca Siclari thuộc Viện Khoa học thần kinh Hà Lan dẫn đầu, não không bật dậy toàn bộ cùng lúc khi tỉnh giấc. Thay vào đó, sự tỉnh táo lan dần từ các vùng phía trước (liên quan đến chức năng điều hành và ra quyết định) tới phía sau não (liên quan đến thị giác). Quá trình này nhất quán trong hơn 1.000 lần theo dõi người tham gia đang ngủ và thức giấc.
Nhà thần kinh học Rachel Rowe từ Đại học Colorado Boulder nhận xét: “Điều này cho thấy việc tỉnh dậy không phải là quá trình đảo ngược của việc đi vào giấc ngủ. Thức giấc là một chuỗi kích hoạt theo trình tự, còn ngủ thì diễn ra chậm rãi và không theo trật tự rõ ràng”.
Trong nghiên cứu, 20 người tham gia được gắn 256 cảm biến lên da đầu để ghi lại hoạt động điện não trong từng giây lúc họ tỉnh dậy có khi tự nhiên, có khi nhờ báo thức. Nhờ đó, nhóm nghiên cứu tái dựng được bản đồ hoạt hóa não khi thức giấc.
Kết quả cho thấy, khi tỉnh dậy từ giấc ngủ REM (giai đoạn mơ), hoạt động điện não khởi phát ở vùng trước và lan ra sau. Trong khi đó, việc tỉnh từ giấc ngủ non-REM (ngủ sâu hoặc mới ngủ), tín hiệu ban đầu xuất phát từ một điểm trung tâm sâu trong não rồi cũng lan ra như trên.
Đặc biệt, người tỉnh dậy từ non-REM thường cảm thấy tỉnh táo hơn so với khi dậy từ REM – điều này có thể liên quan đến khác biệt trong điểm xuất phát của sóng não khi thức giấc.
Bà Siclari cho biết: “Bất ngờ nhất là mức độ nhất quán của mô hình này, bất kể người đó dậy tự nhiên hay nhờ báo thức, và nó cũng liên hệ rõ với cảm giác tỉnh táo của họ”.
Theo các nhà nghiên cứu, hiểu được quá trình não bộ thức giấc một cách “bình thường” sẽ giúp so sánh với các trường hợp rối loạn như mất ngủ hay rối loạn nhịp sinh học. Bà Rowe nhận định: “Có thể vấn đề không nằm ở cách người ta đi ngủ, mà là ở cách họ thức dậy... Nghiên cứu này mở ra hướng hoàn toàn mới trong việc điều trị các rối loạn liên quan đến giấc ngủ”.