Hội thảo chia sẻ những kết quả nghiên cứu và ứng dụng đạt được, những khó khăn, tồn tại trong quá trình nghiên cứu lĩnh vực đất hiếm và định hướng nghiên cứu trong thời gian tới. Đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá, tìm hiểu cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo, ông Phạm Quang Minh, Viện trưởng Viện Công nghệ Xạ hiếm nhấn mạnh, việc ứng dụng các sản phẩm đất hiếm phát triển mạnh mẽ trong vài chục năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và hiệu quả. Việc ứng dụng đất hiếm được phát triển mạnh tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước châu Âu...
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và phát triển, ứng dụng đất hiếm đã có bước phát triển. Việt Nam được đánh giá là nước có trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai trên thế giới, chiếm khoảng 18%, sau Trung Quốc (37%). Các mỏ đất hiếm tập trung ở khu vực phía Bắc nhưng đến nay chưa có nhà máy nào được xây dựng để chế biến nguồn đất hiếm. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề công nghệ và an ninh nguyên liệu được đặt lên hàng đầu, nguồn nguyên liệu đất hiếm được cho là một trong những nguồn nguyên liệu cần thiết cho các ngành công nghiệp cao, đặc biệt là năng lượng và quốc phòng. Vì thế, cần có sự liên kết hợp tác giữa cơ quan quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp để tìm kiếm giải pháp và phát triển ngành đất hiếm ở Việt Nam, để các kết quả nghiên cứu không chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm hay quy mô pilot (một giai đoạn trong nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất thuốc mới)... mà hướng đến quy mô sản xuất công nghiệp và phát triển các sản phẩm thế mạnh.
Theo báo cáo, hiện nay, các nguyên tố đất hiếm được phân chia riêng rẽ có độ sạch cao để ứng dụng trong các ngành công nghiệp và nông nghiệp khác nhau, được chia thành hai nhóm: Nhóm đất hiếm được ứng dụng trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, đánh bóng thuỷ tinh, sứ gốm, máy tính, màn hình tivi màu, chiếu sáng, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, xúc tác lọc hóa dầu, tên lửa, radar… Theo đó, 26% đất hiếm được sử dụng trên toàn thế giới làm chất xúc tác trong ngành Dầu khí và trong bộ chuyển đổi xúc tác cho ô tô động cơ đốt trong; khoảng 20 - 23% được sử dụng trong sản xuất nam châm vĩnh cửu cho động cơ điện.
Nhóm đất hiếm ứng dụng trong nông nghiệp được bổ sung thêm vào phân bón để bón cho cây trồng, các chế phẩm phân bón vi lượng nhằm tăng năng suất và chống chịu sâu bệnh cho cây trồng, đồng thời đã có một số thử nghiệm để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi...
Với bề dày hình thành, phát triển cùng với quá trình dài về nghiên cứu đất hiếm, Viện Công nghệ Xạ hiếm đã từng bước xây dựng và hoàn thiện các công nghệ đầu - cuối đối với nhiều đối tượng quặng đất hiếm và đang tiếp tục nghiên cứu ở quy mô pilot và trên pilot. Hội thảo không chỉ chia sẻ những kết quả nghiên cứu và ứng dụng đất hiếm tại Việt Nam mà nhằm thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ với các đối tác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Hội thảo tập trung thảo luận, chia sẻ các nội dung về công nghệ chế biến sâu các loại quặng đất hiếm và triển vọng phát triển; các sản phẩm đất hiếm ứng dụng cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp; triển vọng hợp tác về nghiên cứu khoa học và triển khai của Viện Công nghệ Xạ hiếm...
Trong khuôn khổ Hội thảo, Viện Công nghệ Xạ hiếm và Viện Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới đã ký kết hợp tác về ứng dụng đất hiếm nhằm thúc đẩy ứng dụng đất hiếm ở Việt Nam thời gian tới.