Tối 14/12, tàu vũ trụ "Hằng Nga 3" của Trung Quốc đã đáp
xuống Mặt Trăng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3, sau Mỹ và Liên
Xô cũ, thực hiện thành công kỳ tích này. Đây cũng là lần đầu tiên Trung
Quốc đưa một tàu vũ trụ hạ cánh xuống bề mặt một thiên thể ngoài Trái
Đất. Tàu thăm dò "Hằng Nga 3" của Trung Quốc.
|
Trung tâm kiểm soát vũ trụ Bắc Kinh cho biết tàu
"Hằng Nga 3" đáp xuống khu vực "Vịnh Cầu vồng" của Mặt Trăng vào hồi 21
giờ 12 phút (giờ địa phương). Thành công này là bước đi quan trọng trong
chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc. Chỉ vài giờ sau
khi tàu Hằng Nga đáp xuống bề mặt của Mặt Trăng, tàu thăm dò chạy bằng
năng lượng mặt trời "Thỏ Ngọc" sẽ tiến hành đào và khảo sát địa chất Mặt
Trăng ít nhất trong vòng 3 tháng.
"Hằng Nga-3" là giai
đoạn hai trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc để tiếp
nối sứ mệnh "Hằng Nga-1" và "Hằng Nga-2" trong các năm 2007 và 2010. Các
nhà khoa học Trung Quốc hiện cũng đang nghiên cứu khả năng đưa người
lên Mặt Trăng sau năm 2020.
Hồi tháng 6 vừa qua, trong nhiệm
vụ không gian mới nhất của Trung Quốc, 3 nhà du hành vũ trụ đã du hành
15 ngày trên quỹ đạo và kết nối với một phòng thí nghiệm không gian, một
phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng một trạm không gian trước
năm 2020.
TTXVN/Tin Tức