Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV:

Tận dụng các nghiên cứu khoa học để tiếp cận nền nông nghiệp giá trị 

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 7/6 đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Lê Minh Hoan đã trả lời, làm rõ thêm một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội; trong đó tập trung vào vấn đề nông nghiệp công nghệ cao.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông Trần Thị Thu Hằng đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trước đó, tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vị trí của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá thêm về tiến độ, hiệu quả triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Khẳng định vấn đề phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trăn trở của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nhiều năm qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, cho đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt được 6 khu nông nghiệp công nghệ cao. Khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên được phê duyệt cách đây 11 năm (năm 2012) là của tỉnh Hậu Giang với diện tích 5.200 ha, tới nay vẫn còn là một cánh đồng, chưa triển khai hiệu quả. Năm khu nông nghiệp còn lại có tổng quy mô khoảng 7.000 ha. 

Để làm rõ hơn thực tế này, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trước hết cần thống nhất lại về khái niệm "khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" và thế nào là "công nghệ cao". Theo Bộ trưởng, có lẽ nhiều người đang nhầm lẫn giữa một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với một khu công nghiệp.

"Đa phần chúng ta vẫn quy hoạch rồi kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, cộng thêm một chút tự động hóa, tôi không nghĩ như vậy. Khu nông nghiệp công nghệ cao là nơi nghiên cứu, thực nghiệm và lan tỏa những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, không phải là một nơi sản xuất, sản xuất chỉ là phụ. Từ những thành quả nghiên cứu, thực nghiệm kết quả rồi mới đưa ra vùng nông nghiệp hay chuyển giao cho bà con nông dân", Bộ trưởng lý giải. 

Bàn thêm về định nghĩa "công nghệ cao", Bộ trưởng cho biết, hiện có nhiều cách tiếp cận về vấn đề này trên thế giới. Có nhiều nước không bó hẹp khái niệm "nông nghiệp công nghệ cao" mà chỉ gọi chung là nền nông nghiệp công nghệ, tức là bất kỳ một công nghệ nào phù hợp với trình độ sản xuất, năng lực sản xuất và ở từng thời gian, tạo ra giá trị, tạo ra chất lượng và đạt được giá trị tối ưu nhất trên sản phẩm nông nghiệp đó để cạnh tranh được trên thị trường, tạo ra được thu nhập cho người nông dân, tăng sức cạnh tranh thì đều được xem đó là nông nghiệp công nghệ hay là nông nghiệp công nghệ cao.

"Chúng ta không thể lấy nông nghiệp công nghệ cao của những tập đoàn lớn như TH True Milk, Vinamilk hay Lộc Trời để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đó cho từng hộ nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long được, kể cả trong lĩnh vực thủy sản, trong lĩnh vực chăn nuôi", Bộ trưởng giải thích thêm. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Bộ trưởng, trước khi địa phương muốn hình thành một khu nông nghiệp công nghệ cao, cần định vị lại về khái niệm và các vấn đề như phương thức đầu tư, hợp tác công tư, quản trị... 

"Rất nhiều địa phương bây giờ bắt đầu đề nghị Chính phủ phải có vốn đầu tư hạ tầng, cho rằng do không có kinh phí đầu tư hạ tầng nên doanh nghiệp không vào. Tôi nghĩ không phải như vậy...", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Theo ông Lê Minh Hoan, hiện chỉ có một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có lẽ thành công nhất và đúng bản chất nhất đó là Trung tâm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi nghiên cứu, thực nghiệm, lan tỏa và đào tạo, huấn luyện những thành phần tiếp nhận thành quả từ các viện, trường nghiên cứu. Từ câu chuyện này cho thấy, mô hình của Thành phố Hồ Chí Minh đạt được thành tựu nhờ có lõi giá trị từ viện, trường, hay rộng hơn là các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu công lập. Bao xung quanh hệ sinh thái là các doanh nghiệp. Họ sẵn sàng đón nhận các kết quả để từ đó đưa vào nền sản xuất. 

Bày tỏ sự trăn trở với hành trình tìm kiếm con đường đưa nghiên cứu từ các viện, trường chuyển giao tới các tổ chức khuyến nông để đưa đến cộng đồng, người dân thông qua những mô hình chuyển giao trực tiếp, tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng không cần thiết phân định giá trị cao giữa nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng, bởi bất kỳ nghiên cứu nào cũng đều giá trị nếu nó tạo ra lợi ích cho nền kinh tế và chuyển đến được cho người nông dân.

Thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tạo ra các cơ chế, hoặc ban hành chính sách để sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng nhanh chóng đến với sản xuất. 

"Có nhiều hướng đi để tiếp cận nền nông nghiệp giá trị... Tối ưu hóa tất cả những vấn đề trên một đơn vị diện tích thì tôi nghĩ rằng công nghệ sẽ góp phần rất lớn, nhưng bên cạnh đó có những nghiên cứu của những người nông dân - như chúng ta hay gọi là "những nhà khoa học chân đất", kết hợp với những nghiên cứu của viện, trường..., lúc đó sẽ phủ được tri thức, phủ khoa học công nghệ trên những cánh đồng, trên những bờ ao của bà con nông dân chúng ta", Bộ trưởng nói.

Hiền Hạnh  (TTXVN)
Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo
Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

Ngày 7/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Khoa học và Công nghệ. Nội dung chất vấn ngày càng được đông đảo cử tri theo dõi và đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN