Mẫu hóa thạch mới được phát hiện. |
Mẫu hóa thạch có niên đại từ 3,48 tỷ năm trước đây, mới được các nhà địa chất đến từ Đại học New South Wales tìm thấy trong lớp trầm tích của một suối nước nóng tại vùng Pilbara xa xôi ở miền Tây Australia. Những mẫu hòa thạch này được xác định là các cấu trúc đá stromatolite xếp thành lớp do vi khuẩn tạo nên.
Việc phát hiện mẫu hóa thạch hình thành bởi vi khuẩn, cấu trúc sống đơn giản và xuất hiện đầu tiên trên Trái Đất, tại lớp trầm tích nước ngọt đưa ra một giả thuyết mới rằng sự sống có thể đã bắt đầu từ những dòng suối nước ngọt trên mặt đất chứ không phải như những giả thuyết được biết đến rộng rãi trước đây rằng sự sống bắt đầu từ lòng đại dương trước khi tiến hóa dần lên mặt đất.
Phát hiện mới này cung cấp thêm một khía cạnh địa chất khác về nguồn gốc sự sống và có giá trị đặc biệt đối với việc tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác ngoài Trái Đất, trước mắt là trên sao Hỏa khi một thiết bị tự hành dự kiến được đưa lên hành tinh này vào năm 2020.