Chỉ cần một cú kích chuột lên hệ thống trên máy tính thì người dân có thể thấy được mảnh đất của mình nằm ở vị trí nào, diện tích bao nhiêu và hiện trạng đất đai ra sao, đồng thời dữ liệu đất đai này cũng được đồng bộ, liên kết với các ngành ngân hàng, tài chính, xây dựng, giao thông phục vụ quản lý chung là những mục tiêu mà Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia hướng đến.Cơ sở dữ liệu phục vụ đa mục tiêu sẽ hỗ trợ cho việc quản lý, sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả. Việc tích hợp thông tin điện tử, chia sẻ thông tin đất đai với các ngành liên quan sẽ giúp đem lại nhiều tiện ích cho người dân cũng như hệ thống quản lý đa ngành.
Người dân đến làm thủ tục tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. |
Biến tài nguyên thành nguồn vốn“Chỉ cần một cú kích chuột, cán bộ thu thuế cũng như người dân có thể biết được thửa đất này đã nộp thuế hay chưa, và những khoản cần nộp là gì. Đồng thời, người dân có thể thế chấp mảnh đất mà không cần sổ đỏ, các ngân hàng có thể kiểm tra việc vay thế chấp nhanh chóng và thuận lợi, còn ngành xây dựng và giao thông có được cái nhìn tổng quát để đưa ra những quy hoạch đúng đắn. Tất cả những tiện ích đó sẽ được áp dụng trong thực tế, khi Đề án ây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai hoàn thành vào năm 2020”, ông Đỗ Đức Đôi, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Thông tin đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT) khẳng định.
Ông Đôi cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia là rất quan trọng, nhằm biến đất đai từ tài nguyên thành nguồn vốn để từ nguồn vốn đó có kế hoạch đầu tư lâu dài, phát triển tài nguyên đất gắn với sự phát triển đất nước. Vấn đề này đã được quy định trong nhiều văn bản của Quốc hội, Đảng và chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1975 ngày 30/10/2013 về phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, giao cho Bộ TN&MT là đơn vị chủ quản, trung tâm là đơn vị chủ trì, phối hợp với đơn vị khác cùng thực hiện.
Theo đó, giai đoạn 1 của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai dự kiến từ tháng 9/2013 - 12/2015 với các mục tiêu như: Xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa; tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai của 41 huyện điểm thuộc Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai là sản phẩm của 9 tỉnh thuộc Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) vào hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia…
Đến nay, nhiệm vụ của giai đoạn 1 cơ bản đã hoàn thành, dự kiến cuối năm 2015, 3 huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Thanh Hà (Hải Dương) và huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ có được cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, chi tiết tới từng thửa đất.
Bên cạnh đó, 9 tỉnh thực hiện Dự án VLAP cũng sẽ cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu chung, áp dụng “số hóa” vào quản lý đất đai. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về bảo vệ nghiêm ngặt 3,8 triệu ha đất lúa, Đề án tập trung vào hoàn thiện cơ sở dữ liệu lúa, dự kiến đến 31/12/2015 sẽ hoàn thành, số hóa tới từng thửa đất lúa.
Cập nhật liên tụcĐể có được một cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ đa mục tiêu, tiện ích còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là dữ liệu đầu, nghĩa là dữ liệu địa chính. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là mới đầu tư đo đạc, lập bản đồ địa chính được 60% diện tích cả nước.
Như vậy còn 40% diện tích chưa được thể hiện trên các bản đồ địa chính. Do vậy, có thông tin dữ liệu đến đâu thì các địa phương sẽ cập nhật và chuẩn hóa đến đó. Thứ tự ưu tiên trong cơ sở dữ liệu đất đai theo 3 cấp, những nơi nào có cơ sở dữ liệu thì tích hợp với hệ thống thông tin chung; những nơi nào đã đo đạc lập bản đồ địa chính về đất đai thì dùng dữ liệu đó để tích hợp, còn nếu nơi nào không có 2 dữ liệu trên thì sử dụng tài liệu mới nhất về bản đồ hiện trạng sử dụng đất 2010 và quy hoạch sử dụng đất đến 2020. Mục tiêu hướng tới là năm 2020 sẽ hoàn thành số hóa trên từng thửa đất.
Một điểm nhấn trong thực hiện đề án này là Bộ TN&MT sử dụng phần mềm “made in Việt Nam” như phần mềm Elis (Cục Công nghệ thông tin phát triển), phần mềm Vlis (Tổng cục quản lý đất đai)… để tích hợp dữ liệu, vừa tiết kiệm chi phí lại tạo thuận lợi cho việc chỉnh sửa, nâng cấp sau này. Bên cạnh đó, Trung tâm dữ liệu hiện đại, đảm bảo đường truyền thông suốt 24/24 đang được triển khai xây dựng.
Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng công nghệ tin học trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai mới được ứng dụng ở cấp tỉnh và huyện, còn ở nhiều cơ quan địa chính xã, việc áp dụng này còn hạn chế, đặc biệt là với các xã vùng sâu, vùng xa… Cùng với đó, chính sách quản lý nhà nước về đất đai đang trong quá trình hoàn thiện nên quy trình thực hiện, mẫu báo cáo, mẫu GCN quyền sử dụng đất thay đổi nhiều trong thời gian ngắn dẫn tới việc ứng dụng công nghệ gặp nhiều khó khăn.
“Cái khó nhất chính là thay đổi nhận thức của chính cán bộ quản lý và người dân và cần có thời gian cho sự chuyển đổi. Chúng ta cũng cần có cơ chế khuyến khích người dân, ví dụ như khi làm thủ tục dạng số thì sẽ chỉ phải trả một khoản phí thấp hơn giao dịch dạng giấy...”, ông Đôi cho biết.
Bài, ảnh: Thu Trang (còn tiếp)