Phát hiện thiên văn học củng cố thuyết tương đối rộng của A.Einstein

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà thiên văn học đã quan sát thấy một ngôi sao quay xung quanh một hố đen khổng lồ nằm ở trung tâm của Dải Ngân hà theo quỹ đạo được dự đoán trong thuyết tương đối rộng mà thiên tài Albert Einstein đã đưa ra từ thế kỷ trước.

Thuyết tương đối rộng là lý thuyết về hấp dẫn do Albert Einstein công bố năm 1916. Theo thuyết tương đối rộng, chúng ta quan sát thấy sự hút giữa các khối lượng với nhau là do kết quả của sự uốn cong không gian và thời gian do chúng gây ra. Thuyết tương đối rộng được coi là nền tảng của vật lý hiện đại, giúp các nhà khoa học hiểu được lực hấp dẫn.

Theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Astronomy & Astrophics hôm 16/4, các nhà thiên văn học sử dụng kính thiên văn cực lớn của Đài thiên văn Nam châu Âu (ESO) đặt tại Sa mạc Atacama, Chile, đã nhận thấy ngôi sao nhỏ quay quanh hố đen theo quỹ đạo hình hoa hồng. Cụ thể, các nhà khoa học ESO cho biết gần 30 năm nghiên cứu và theo dấu di chuyển của ngôi sao, các nhà khoa học nhận thấy ngôi sao này di chuyển theo một quỹ đạo hình hoa hồng xung quanh hố đen siêu lớn trong Dải Ngân hà. Theo ông Reinhard Genzel, Giám đốc Viện Max Planck chuyên về lĩnh vực vật lý ngoài khí quyển và cũng là người đứng đầu nghiên cứu, điều này chứng minh thuyết tương đối rộng được áp dụng với một ngôi sao cách Mặt Trời 26.000 năm ánh sáng. Trong thuyết tương đối rộng, Einstein dự đoán một vật thể quay quanh một vật thể khác theo các quỹ đạo xoáy tròn mở, tịnh tiến theo chuyển động phẳng.

Trong khi đó, nhà vật lý học, thiên văn học Isaac Newton, "cha đẻ" của định luật vạn vật hấp dẫn, tin rằng quỹ đạo di chuyển giống như hình elip khép kín.  

Đây là kết quả mà các nhà khoa học đã mong đợi từ lâu và có được nhờ các phép đo đạc có độ chính xác ngày càng cao trong gần 30 năm, từ đó mở ra cơ hội giải mã những bí ẩn khổng lồ ẩn sâu trong dải thiên hà. Phát hiện này cũng cung cấp thêm bằng chứng về sự tồn tại của một hố đen có tên Sagittarius A*, được cho là có khối lượng gấp 4 triệu lần Mặt Trời.

Kính thiên văn rất lớn của ESO đặt trên đỉnh núi cao gần 2.700m trên Sa mạc Atacama rộng lớn của Chile. Với những đặc điểm như độ ẩm thấp và các luồng không khí êm, khu vực này cung cấp một tầm nhìn lý tưởng tuyệt đối cho các kính viễn vọng công nghệ cao mà các nhà khoa học sử dụng để quan sát và tìm hiểu sự hình thành của vũ trụ và sự sống ngoài Trái Đất.

Lê Ánh (TTXVN)
Giới thiên văn học lần đầu tiên phát hiện va chạm giữa 3 hố đen khổng lồ
Giới thiên văn học lần đầu tiên phát hiện va chạm giữa 3 hố đen khổng lồ

Theo thông báo ngày 26/9 của Phòng thí nghiệm động cơ phản lực (JPL) thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), các nhà khoa học lần đầu tiên đã quan sát được hiện tượng 3 thiên hà cùng va vào nhau, đặt những siêu hố đen tại trung tâm của chúng vào quỹ đạo để hợp nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN