Nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại thị trấn Naraha, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: EPA/TTXVN |
Các lò phản ứng bị cho ngừng hoạt động bao gồm lò phản ứng số 1 và số 2 tại nhà máy Mihama của Công ty điện lực Kansai ở tỉnh Fukui; lò phản ứng số 1 tại nhà máy Tsuruga thuộc Công ty điện nguyên tử Nhật Bản cũng nằm ở tỉnh Fukui; lò phản ứng số 1 tại nhà máy Shimane thuộc Công ty Điện lực Chugoku đặt tại tỉnh Shimane và lò phản ứng số 1 thuộc nhà máy Genkai của Công ty điện lực Kyushu ở tỉnh Saga.
Hoạt động dỡ bỏ bao gồm xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng, dỡ bỏ các lò phản ứng và phá bỏ các cơ sở xung quanh. Ước tính, công tác này sẽ mất khoảng 30 năm đối với mỗi lò phản ứng. Hiện địa điểm xử lý rác thải phóng xạ từ các lò phản ứng này chưa được quyết định.
Theo quy định mới sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011, các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản không được phép hoạt động quá mốc 40 năm. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Hạt nhân có thể gia hạn hoạt động của một lò phản ứng nếu đơn vị chủ quản nâng cấp cơ sở hạ tầng và củng cố các biện pháp bảo đảm an toàn, và lò phản ứng này vượt qua các bài kiểm tra của cơ quan đánh giá.
Trong lần đánh giá này, nhà chức trách Nhật Bản cũng thông qua việc gia hạn hoạt động của một số lò phản ứng bao gồm lò phản ứng số 3 của nhà máy Mihama thuộc Công ty điện lực Kansai, lò phản ứng số 1 và số 2 tại nhà máy Takahama ở Fukui. Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý Hạt nhân cũng đang đánh giá kế hoạch dỡ bỏ lò phản ứng số 1 của nhà máy Ikata tại tỉnh Ehime thuộc Công ty điện lực Shikoku.