Nga phát triển công nghệ phát hiện virus SARS-CoV-2 ở giai đoạn sớm

Theo hãng tin Sputniknews, Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga (Rospotrebnadzor) cho biết các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu dịch tễ trung ương trực thuộc đã phát triển công nghệ cho phép phát hiện virus SARS-CoV-2 ở giai đoạn sớm nhất khi nồng độ virus ở mức tối thiểu.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, độ nhạy của thiết bị xét nghiệm và việc nhanh chóng thu được kết quả là những yếu tố quan trọng nhất của hệ thống chẩn đoán. Công nghệ trên do Viện Nghiên cứu dịch tễ trung ương thuộc Rospotrebnadzor phát triển đáp ứng tất cả những yêu cầu này.

Phát hiện liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học dựa trên việc sử dụng các công cụ mới là các phân tử RNA dẫn đường, có thể được sử dụng trong hệ thống CRISPR-Cas14 để phát hiện RNA của virus SARS-CoV-2 một cách siêu nhạy. 

Theo một trong những nhà nghiên cứu tham gia phát triển công nghệ trên, phát minh này có thể trở thành cơ sở cho hệ thống giúp chẩn đoán nhanh ngay tại giường bệnh. Một hệ thống áp dụng công nghệ này sẽ không cần đến thiết bị công nghệ cao. Do đó, chi phí sản xuất thiết bị xét nghiệm sẽ thấp mà lại cho kết quả ở giai đoạn sớm giúp điều trị kịp thời. Hiện công nghệ này đã được đăng ký tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ LB Nga (Rospatent).

Dự kiến, trong tương lai, công nghệ mới dựa trên hệ thống CRISPR nói trên có thể được sử dụng để phát triển các hệ thống chẩn đoán công nghệ cao và có độ nhạy cao, trong đó có việc phát triển các phương pháp chẩn đoán những bệnh nhiễm trùng khác có thể nảy sinh sau này.  

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại LB Nga, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Khoa học về nghiên cứu phân tử và di truyền DNKOM, ông Andrey Isaev, nhận định biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 sẽ thay thế biến thể Delta hoặc sự lây lan của biến thể Delta sẽ giới hạn ở một số vùng xa xôi của Nga. Chuyên gia này cho rằng biến thể Delta có thể sẽ không lây lan trong cộng đồng nữa.

Theo số liệu từ các văn phòng của DNKOM tại 20 khu vực của Nga, từ ngày 28/1 đến ngày 1/2 vừa qua, số ca nhiễm biến thể Delta chỉ chiếm khoảng 2% số ca mắc mới COVID-19, số còn lại là nhiễm Omicron. Từ ngày 1-6/2, chỉ một số trường hợp nhiễm biến thể Delta được ghi nhận, theo đó Omicron đã trở thành biến thể "thống trị'' ở Nga. Ông Isaev cũng cho rằng biến thể Delta sẽ chỉ còn tồn tại ở một số vùng xa xôi của Nga.

Giới chức Nga cho biết hiện biến thể Omicron đã lây lan ở 84/85 khu vực tại Nga và tính đến ngày 9/2, số ca nhiễm biến thể này chiếm đến 70% số ca mắc COVID-19 ở Nga.

Trần Quyên (TTXVN)
Khẩu trang phát sáng khi phát hiện virus SARS-CoV-2
Khẩu trang phát sáng khi phát hiện virus SARS-CoV-2

Theo tạp chí ZME Science, các nhà nghiên cứu Đại học Kyoto ở Nhật Bản đang phát triển một loại khẩu trang có khả năng phát sáng trong bóng tối khi phát hiện các phần tử COVID-19 tồn tại trong hơi thở hoặc nước bọt của một người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN