Tại họp báo, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland, Giám đốc FBI Christopher Wray và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lisa Monaco cho biết các chuyên gia công nghệ thông tin của chính phủ đã bí mật thâm nhập vào hệ thống của nhóm tin tặc Hive kể từ tháng 7 năm ngoái. Nhà chức trách đã theo dõi chi tiết hoạt động của nhóm này, đồng thời thu thập các khóa kỹ thuật số mà chúng sử dụng để truy cập dữ liệu của các tổ chức mục tiêu. Nhờ vậy, cơ quan chức năng có thể kịp thời cảnh báo trước cho các nạn nhân để họ thực hiện các biện pháp bảo vệ hệ thống, trước khi nhóm Hive yêu cầu nộp tiền chuộc. Bộ trưởng Garland cho biết công tác điều tra vẫn đang diễn ra.
Trước đó, sáng cùng ngày, trang web của Hive đã bị đánh sập và chỉ hiển thị thông báo với nội dung FBI đã tịch thu trang web này trong chiến dịch phối hợp thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn nhóm tin tặc Hive sử dụng mã độc tống tiền. Bên cạnh đó, Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức và Đơn vị Tội phạm công nghệ cao quốc gia của Hà Lan cũng đã thu giữ các máy chủ của Hive.
Ủy viên cảnh sát Đức Udo Vogel và các công tố viên bang Baden-Wuerttemberg nhấn mạnh hợp tác sâu rộng xuyên biên giới và châu lục là chìa khóa để ngăn chặn hiệu quả tội phạm mạng nghiêm trọng.
Hive là nhóm chuyên sử dụng mã độc để đòi tiền chuộc. Nhà nghiên cứu Brett Callow của công ty an ninh mạng Emsisoft đánh giá đây là một trong những nhóm tội phạm mạng hoạt động mạnh nhất. Vụ án triệt phá nhóm tin tặc Hive khác với một số vụ mà Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố trong những năm gần đây, đơn cử như vụ tấn công mạng năm 2021 nhằm vào Colonial Pipeline - công ty vận hành đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ. Trong vụ việc đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã thu giữ khoảng 2,3 triệu USD tiền chuộc ở dạng tiền điện tử sau khi công ty này trả tiền cho tin tặc. Trong vụ việc lần này, nhà chức trách đã kịp thời cảnh báo trước khi Hive đòi tiền chuộc.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, trong những năm qua, Hive đã tấn công trên 1.500 nạn nhân tại 80 quốc gia trên thế giới và thu về số tiền chuộc trị giá hơn 100 triệu USD.