Nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực vũ trụ, Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cung cấp khoản đầu tư 100 triệu USD cho các chương trình nghiên cứu, phát triển và chế tạo động cơ tên lửa, thay thế thiết bị của Nga vốn được Washington sử dụng để phóng vệ tinh quân sự lên quỹ đạo.Động cơ tên lửa RD-180 do Nga chế tạo. |
Phát biểu trước báo giới ngày 22/5, Thượng nghị sỹ Bill Nelson cho biết số tiền trên là một phần trong dự luật quốc phòng và được ủy ban trên thông qua nhằm chứng tỏ khả năng của Washington trong việc phát triển động cơ tên lửa thay thế cũng như đảm bảo đưa các phi hành gia của Mỹ lên vũ trụ nếu Nga chấm dứt cung cấp động cơ tên lửa cho phía Mỹ.
Trong khi đó, Hạ viện Mỹ cùng ngày cũng thông qua một dự luật quốc phòng riêng, trong đó bao gồm các điều khoản nhằm hạn chế sự phụ thuộc của Mỹ vào các thiết bị vũ trụ do Nga cung cấp. Cả hai dự luật trên cần được lưỡng viện quốc hội thông qua trước khi trình lên Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật.
Mỹ hiện đang phụ thuộc vào các động cơ tên lửa RD-180 và NK-33 của Nga để phóng các vệ tinh dân sự và quân sự. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang phủ bóng đen lên quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc về công nghệ vũ trụ này, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos Oleg Ostapenko hồi tháng trước đã lên tiếng chỉ trích những biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ nhằm vào Nga, đồng thời cảnh báo Moskva có thể chấm dứt cung cấp các động cơ tên lửa cho Washington nếu chúng tiếp tục được sử dụng để phóng vệ tinh quân sự.
Trước đó, trong báo cáo công bố cùng ngày, nhóm chuyên gia do Phó Chủ tịch công ty Aerospace Michael Griffin đứng đầu ước tính Mỹ sẽ thiệt hại khoảng 5 tỷ USD nếu Nga chấm dứt cung cấp động cơ tên lửa RD-180 cho các tên lửa của Washington. RD-180 do công ty Energomas của Nga sản xuất, được lắp ở tầng thứ nhất cho tên lửa Atlas -5 của tập đoàn Lockheed Martin cùng với tên lửa Delta-4 của công ty Boeing, là những tên lửa chính được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng. Hai tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ của Mỹ đã thành lập liên doanh United Launch Alliance ký hợp đồng dài hạn trị giá nhiều triệu USD với Bộ Quốc phòng Mỹ để phóng vệ tinh do thám.
TTXVN/Tin tức