Huawei mới đây tuyên bố sẽ đầu tư hơn 200 triệu euro vào nhà máy xây tại Pháp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng châu Âu. Trước đó, Mỹ luôn cảnh báo các đồng minh không để Huawei tiếp cận cơ sở hạ tầng mạng không gây 5G tại châu Âu.
Do không thể tiếp cận thị trường Mỹ, châu Âu đã trở thành lựa chọn mới cho công ty Trung Quốc này. Huawei đã đạt được 91 hợp đồng thương mại vầ mạng 5G trên toàn thế giới, trong đó có 47 hợp đồng liên quan tới các doanh nghiệp viễn thông châu Âu.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết cơ sở hạ tầng tại châu Âu sẽ nâng cao năng suất của Huawei nhờ hội nhập với chuỗi cung ứng tại châu Âu.
Huawei tuyên bố chọn Pháp để xây nhà máy do quốc gia này có vị trí địa lý lý tưởng và lao động học vấn cao.
Phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Gartner’s (Mỹ) – ông Peter Liu - nhận định: “Nếu Huawei xây dựng nhà máy ở địa phương thì sẽ dễ loại bỏ lo ngại về an ninh hơn. Ngoài ra, cũng sẽ giảm lo ngại nếu có nhân viên địa phương làm việc tại Huawei”.
Ông Peter Liu cũng cho biết thêm Huawei đã tìm cách tự coi mình là doanh nghiệp quốc tế chứ không chỉ là một công ty Trung Quốc, do vậy đầu tư xây dựng tại Pháp sẽ góp phần hỗ trợ nỗ lực này. Một khi đi vào hoạt động, nhà máy tại Pháp sẽ sản xuất ra số sản phẩm trị giá 1 tỷ USD mỗi năm và tạo ra 500 việc làm.
Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh trong lĩnh vực mạng không dây 5G, trong đó người chiến thắng sẽ hưởng lợi hàng tỷ USD. Với dữ liệu có thể truy cập nhanh hơn mạng 4G tới 100 lần, mạng không dây 5G sẽ hình thành nền tảng kết nối cho các ứng dụng cần dữ liệu lớn như sản xuất dựa trên trí thông minh nhân tạo, thành phố thông minh, xe tự lái…
Kênh CNN (Mỹ) cho biết Huawei là công ty tiên phong trong mạng 5G. Các đối thủ của Huawei chỉ có Nokia và Ericsson. Nếu xét về “tương quan lực lượng” thì Huawei là công ty lớn hơn do vậy có năng lực cung cấp công nghệ nhanh và rẻ hơn.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump trong tháng 5 đã cấm các tập đoàn trong nước kinh doanh với tập đoàn Trung Quốc này. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc đã căng thẳng trong thời gian qua và Huawei là công ty bị mắc kẹt ở giữa.
Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra báo cáo về cuộc điều tra kéo dài một năm, trong đó đánh giá Huawei là mối đe dọa với an ninh Mỹ. Cáo buộc này bị cả Huawei và Chính phủ Trung Quốc bác bỏ.