Đến dự có các đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và hơn 1.200 đại biểu là chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, đại diện các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải có cách tiếp cận đúng trong xây dựng chính sách phát triển IoT. Cần quan niệm IoT là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ. Dưới góc độ quốc gia, IoT phải thúc đẩy nâng cấp mạnh mẽ các ngành sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng xã hội thông minh.
Theo cách tiếp cận này, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, Việt Nam cần phải sớm xây dựng, triển khai Đề án phát triển kinh tế số quốc gia và các Chiến lược chuyển đổi số đối với các ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng khác trong nền kinh tế quốc dân; đồng thời cần có chính sách nâng cấp các ngành sản xuất thông qua ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin và tự động hóa, trọng tâm là trong các ngành công nghiệp chế tạo. Chúng ta cần có chính sách thúc đẩy sản xuất kỹ thuật số bằng cách tăng năng lực số hóa, kết nối các sản phẩm, chuỗi giá trị và các mô hình kinh doanh; thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tiến hành số hóa theo từng công đoạn, liên kết số trong tiêu thụ sản phẩm, cung cấp kiến thức, thông tin, các công cụ cần thiết để chuyển đổi số.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng chỉ ra rằng, một trong những vấn đề then chốt trong phát triển IoT là phải đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng. Sự phát triển IoT đặt ra yêu cầu tiếp cận mới về an toàn dữ liệu khi các thiết bị kết nối với nhau rộng khắp, các thiết bị từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, liên quan đến cả nền công nghiệp, từ nhà chế tạo chíp, nhà sản xuất thiết bị đến những nhà cung cấp dịch vụ trên mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Về nền tảng kết nối cho IoT, chiến lược của Việt Nam đến năm 2020, về cơ bản mỗi hộ gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước. Khi đó, Việt Nam sẽ là một trong số ít nước đảm bảo tốt cho hạ tầng kết nối IoT. Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam trong phát triển IoT là có hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam cần phát triển một nền công nghiệp về an ninh mạng, cần coi IoT là một ngành công nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận phát triển IoT.
Chia sẻ về thế hệ IoT - các cơ hội và rủi ro, theo ông Mai Thanh Trường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển IoT, Công ty VNPT Technology – thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), vấn đề an toàn thông tin là cốt lõi của mạng lưới ứng dụng và các thiết bị IoT. Với nền tảng IoT – SCP, VNPT Technology đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm phát triển mô hình đô thị thông minh, nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, giao thông vận tải, tài chính-ngân hàng, bán lẻ, chuỗi cung ứng, bệnh viện, giáo dục…
Về triển vọng ứng dụng IoT toàn cầu, ông Ernest S Lo, Chủ tịch Liên minh Iot Hong Kong chia sẻ, các dự án phát triển ứng dụng IoT trên toàn cầu đã triển khai ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng tập trung chính vào phát triển đô thị thông minh; công nghiệp kết nối; kết nối tòa nhà chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các ngành phát triển ứng dụng IoT.
Theo ông Ernest S Lo, một số quốc gia châu Á đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng IoT vào các ngành như: Hệ thống mạng thông minh 5G; chính phủ thông minh ở Hàn Quốc; hệ thống dịch vụ ví điện tử; giao thông thông minh ở Nhật Bản; hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe từ xa ở Trung Quốc; hệ thống kiểm soát nguồn nước và cảnh báo các tác động của môi trường ảnh hưởng đến ô nhiễm nguồn nước ở Ấn Độ; hạ tầng kỹ thuật thông minh, sản phẩm thông minh, quốc gia thông minh ở Singapore…
Tại Smart IoT Việt Nam 2018, các đại biểu cũng tham gia thảo luận các chủ đề về “Đảm bảo an toàn và an ninh mạng trong kỷ nguyên IoT”, “Ứng dụng IoT trong đô thị thông minh”, “IoT và cuộc cách mạng trong ngành sản xuất”.
Nhân dịp này, triển lãm quốc tế về Smart IoT quy mô 40 gian hàng cũng được tổ chức với sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như ABB, LG Electronics, Dell EMC, Viettel, MobiFone, Ericsson, ZTE, Darktrace, BKAV, Nextfarm… Đây là dịp để các đại biểu, khách mời tiếp cận với các sản phẩm, giải pháp về công nghiệp thông minh trong các nhóm ngành, qua đó học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp.