Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia, Airlangga Hartarto, cho biết: "Để đạt được mục tiêu này, Indonesia đã đưa ra một lộ trình như một phần của chiến lược áp dụng cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư để từng bước làm chủ cuộc cách mạng này”.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ mang lại một định hướng rõ ràng cho sự phát triển của ngành công nghiệp và giúp Indonesia đạt được lợi thế cạnh tranh toàn cầu trong tương lai.
Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đang cố gắng tăng tỷ lệ xuất khẩu ròng lên 10% Tổng sản phẩm quốc nội, gia tăng sản xuất, giảm chi phí sản xuất 50% so với tỷ lệ chi phí năng suất hiện tại và phát triển khả năng sáng tạo của ngành công nghiệp quốc gia bằng cách phân bổ 2% ngân quỹ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Bộ trưởng Airlangga nhận định, thời gian qua, ngành công nghiệp sản xuất đã liên tục đóng góp đáng kể cho GDP của đất nước và đóng một vai trò quan trọng như là xương sống của nền kinh tế quốc gia vì nó có tác động sâu rộng đến nỗ lực tăng giá trị gia tăng, tạo cơ hội việc làm, tăng nguồn thu từ thuế cũng như ngoại tệ từ xuất khẩu.
Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho thấy GDP của Indonesia ở mức 1.004 tỷ USD vào năm 2017, cao hơn Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sỹ. Con số này khẳng định Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Indonesia hiện nay đã lọt vào danh sách câu lạc bộ các nước có GDP 1.000 tỷ USD và nằm trong số 20 nước có GDP cao nhất thế giới.