Với nhà sáng lập của SpaceX tỷ phú Elon Musk, việc đưa được hai tầng thứ nhất của hai quả tên lửa Falcon 9 cao 40 m, từng mang phi thuyền chở hàng Dragon lên quỹ đạo trái đất, trở lại mặt đất để duy tu và tái sử dụng là những viên gạch đầu tiên cho mục tiêu đưa chi phí các chuyến bay không gian sớm rẻ như các chuyến bay thương mại. Bởi ông cho rằng, nếu một chiếc Boeing 747 không bị các hãng hàng không loại bỏ sau mỗi chuyến bay, thì không có lí do gì số phận xa xỉ này lại xảy ra với các con tàu không gian. Đây không phải là một cách nghĩ mới, khi NASA đã sử dụng mỗi tàu con thoi cho hàng chục sứ mạng lên trạm ISS, nhưng vẫn được xem là thành tựu lớn nhất theo hướng đi này. Tuy vậy, điều gì đã ngăn cản khoa học lâu đến vậy?
Hành trình không cô độc
Trên con đường biến ý tưởng tái sử dụng các phi thuyền không gian thành hiện thực, SpaceX không hề đơn độc. Blue Origin - nhà sản xuất và cung cấp các chuyến bay vũ trụ - với sự ủng hộ của người đứng đầu Amazon Jeff Bezos, đã ba lần phóng và hạ cánh tên lửa du lịch New Shepard lên và từ độ cao 100 km. Trong khi đó, Virgin Galactic - công ty du lịch thương mại không gian - cũng lên kế hoạch cho nhiều chuyến bay tham quan quỹ đạo với chiếc máy bay SpaceShipTwo. George Whitesides, CEO của Virgin Galactic, cho hay nhờ được kết hợp công nghệ hiện đại, khả năng tái sử dụng của những phương tiện nhỏ hơn tàu con thoi của NASA cao hơn, các chuyến bay cũng chỉ lên đến độ cao 100 km so với mặt nước biển khiến công việc càng trở nên thuận lợi.
SpaceX thành công đưa tên lửa Falcon 9 trở lại bề mặt trái đất. |
Nhưng theo bà Laetitia Garriott de Cayeux, một doanh nhân trong lĩnh vực vũ trụ của Mỹ, đó cũng chính là lí do SpaceX vẫn đang duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ trong công cuộc chinh phục tham vọng hàng không vũ trụ giá rẻ. Bởi để đưa vệ tinh vào quỹ đạo tầm thấp của trái đất (ở độ cao 160 - 2000 km so với mực nước biển), tên lửa cần đạt vận tốc khoảng 6.000 km/giờ và để đến được quỹ đạo địa tĩnh, vận tốc yêu cầu là 9.000 km/giờ trước khi quả tên lửa tầng đầu tiên được tách ra và quay trở về trái đất. Nói một cách đơn giản, kỹ thuật chính là trở ngại ngăn cản tham vọng tái sử dụng tên lửa không gian thành hiện thực sớm hơn.
Nhân loại mộng mơ
Từ một thế kỷ trước hoặc lâu hơn nữa, tương lai tái sử dụng các phi thuyền không gian đã được khoa học viễn tưởng đề cập đến. Kể từ giữa thế kỷ 20, các kĩ sư vũ trụ đã bắt tay thử nghiệm ý tưởng này. Ông Roger Launius tại Bảo tàng Không gian và hàng không Quốc gia của Viện Smithsonian ở thủ đô Washington DC cho biết, trước chương trình không gian Apollo đưa con người lên mặt trăng, máy bay không gian đã được dự báo sẽ là tương lai của những phi thuyền không gian có thể tái sử dụng.
Sau năm 1945, từ tiết lộ của các nhà khoa học tên lửa Đức bị bắt giữ, thế giới biết đến kế hoạch tạo ra chiếc máy bay không gian Chim bạc của Đức Quốc xã, có khả năng đạt độ cao 100 km và dội bom nước Mỹ. Tuy nhiên, tham vọng này chỉ dừng lại ở mẫu ý tưởng thiết kế hình chiếc cánh để tăng lực nâng khí động lực học. Ý tưởng này được Không lực Hoa Kỳ phát triển vào máy bay không gian X-20 Dyna-Soar năm 1958 nhưng dự án bị bỏ dở sau đó vì sức nóng của chương trình mặt trăng. Tuy nhiên, sau Apollo, NASA trở lại với “mối tình đầu” và cho ra đời đội Space Shuttle (tàu con thoi vũ trụ), năm phi thuyền của NASA thực hiện trung bình 27 nhiệm vụ.
Ưu điểm của việc tái sử dụng là tiết kiệm chi phí song mặt trái của tái sử dụng cũng là chi phí cho việc tân trang, bảo dưỡng, với cả Shuttle của NASA hay Falcon 9 của SpaceX. Theo ông Launius, dù đã hạ cánh thành công các quả tên lửa, song SpaceX vẫn chưa phóng trở lại chúng.
Tương lai sẽ đến với nhiều thế hệ phương tiện di chuyển trong không gian. Những nhà tiên phong sẽ có đội ngũ kế thừa. Và đó chính là lời hứa hẹn cho một hiện thực của các chuyến bay không gian giá rẻ không xa.