Ông Hoàng Văn Tuệ, Trưởng Phòng Bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm Hà Giang, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca cho biết: Kết quả điều tra vừa được tiến hành tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch tỉnh Hà Giang cho thấy, đến tháng 12/2013, quần thể voọc mũi hếch quý hiếm lớn nhất toàn cầu tại khu rừng Khau Ca của tỉnh Hà Giang đã phát triển lên đến 113 cá thể. Đây là số lượng voọc mũi hếch lớn nhất được giới bảo tồn ghi nhận từ trước đến nay. Một nhóm voọc mũi hếch tại rừng Khau Ca - Ảnh: FFI
|
Voọc mũi hếch có tên khoa học là Rhinophihecus anvurculus. Theo số liệu của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), năm 2002 trên phạm vi toàn cầu voọc mũi hếch chỉ còn khoảng 250 cá thể. Năm 2002, cán bộ của FFI đã phát hiện voọc mũi hếch tại khu vực rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang với ước tính khoảng 60 cá thể.
Khu bảo tồn voọc mũi hếch Khau Ca là một trong 6 khu rừng đặc dụng của Hà Giang có diện tích trên 2.000 ha, nằm trên địa bàn các xã: Tùng Bá (huyện Vị Xuyên); xã Minh Sơn, Yên Định (huyện Bắc Mê).
Đây là khu vực rừng đặc dụng, địa hình hiểm trở với vách núi dựng đứng, đường độc đạo nhưng lại có một vị trí vô cùng quan trọng trên phạm vi toàn cầu trong công tác bảo tồn voọc mũi hếch, một loài động vật nằm trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp.
Từ năm 2008 đến nay, được sự quan tâm giúp đỡ từ nguồn kinh phí của chương trình FFI, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân sinh sống trong khu vực bảo tồn đã thực hiện tốt các chương trình lập khu bảo tồn, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, hỗ trợ sinh kế và phát triển rừng; bảo vệ, quan sát sự tồn tại và phát triển của quần thể voọc mũi hếch ở đây.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững Khu bảo tồn Khau Ca được thực hiện tốt đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xã hội hóa công tác bảo vệ các khu rừng đặc dụng trên địa bàn Hà Giang, đặc biệt là việc bảo vệ quần thể voọc mũi hếch đang có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn và mất môi trường sống.
Cũng theo ông Hoàng Văn Tuệ, để quần thể voọc mũi hếch tiếp tục được bảo tồn và sinh trưởng, UBND tỉnh Hà Giang và Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế cần đầu tư thêm kinh phí cho công tác bảo vệ quần thể voọc mũi hếch phát triển bền vững. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng sống cho gần 6.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống quanh vùng và trong khu bảo tồn để người dân không săn bắt, không đặt bẫy, giăng lưới bắt loài linh trưởng quý hiếm này, góp phần tạo môi trường sống bền vững cho quần thể voọc mũi hếch ở Khau Ca .
Minh Tâm