Vụ kiện do giới chức chống độc quyền ở 38 bang và vùng lãnh thổ tại Mỹ liên kết thực hiện và được cho là có quy mô lớn hơn so với vụ kiện mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra hồi đầu năm nhằm vào Google và công ty mẹ Alphabet. Cụ thể, đơn kiện cho rằng việc Google thực hiện những thỏa thuận để đưa các hệ thống tìm kiếm và quảng cáo của hãng này vào các loại loa thông minh, xe ô tô, điện thoại di động... đã đẩy các đối thủ cạnh tranh vào nguy cơ dừng hoạt động hoặc bị loại khỏi cuộc chơi.
Tổng chưởng lý bang Colorado, Phil Weiser chỉ trích các hành động phi cạnh tranh của Google để giúp bảo vệ lợi thế độc quyền của công ty này trong lĩnh vực tìm kiếm nội dung trên mạng Internet và chèn ép các đối thủ, từ đó làm tổn hại lợi ích của khách hàng, cản trở sáng tạo, thu hẹp cơ hội phát triển hoặc tiếp nhận những doanh nghiệp mới trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Tổng chưởng lý bang Nebraska, Doug Peterson gọi đây là vụ kiện lịch sử với số lượng các cơ quan chức năng liên kết khởi kiện nhiều nhất kể từ vụ kiện nhằm vào Tập đoàn Microsoft xảy ra nhiều thập kỷ trước.
Các bên đứng đơn kiện thừa nhận việc các dịch vụ của Google đều miễn phí và những thiệt hại về kinh tế với người dùng khó có thể chứng minh nên việc dựa vào luật chống độc quyền để kiện Google có thể không phải là cách làm hiệu quả nhất. Do đó, liên minh này kêu gọi các nhà lập pháp, cụ thể là Quốc hội Mỹ, xem xét những quy định quản lý mới bên cạnh luật chống độc quyền.
Google cho rằng nếu cuối cùng các bang thắng kiện thì người chịu thiệt sau cùng vẫn là người tiêu dùng. Giám đốc chính sách kinh tế của Google Adam Cohen cho rằng vụ kiện có thể làm thay đổi lĩnh vực tìm kiếm theo những cách cản trở người dân Mỹ tiếp cận những thông tin hữu ích và cản trở các doanh nghiệp kết nối trực tiếp với khách hàng. Những thay đổi mà các bên khởi kiện yêu cầu sẽ khiến các kết quả tìm kiếm trên Google kém chất lượng hơn mong đợi của người dùng và doanh nghiệp. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp công nghiệp máy tính và liên lạc Matt Schruers cho rằng vụ kiện đang bị lạc hướng khi buộc Google phải thiết kế lại công cụ tìm kiếm mà không quan tâm tới lợi ích của khách hàng.
Trước đó, ngày 16/12, một nhóm các bang tại Mỹ do bang Texas đứng đầu cũng đã nộp một đơn kiện riêng, cáo buộc hãng này có những hành động phi cạnh tranh, làm mất đi môi trường cạnh tranh trong hoạt động quảng cáo trực tuyến và làm tổn hại tới các khách hàng. Trước đó, các hãng công nghệ như Amazon, Tripadvisor, Yelp và những công ty khác hoạt động trong lĩnh vực gợi ý sản phẩm hoặc dịch vụ cũng phàn nàn về việc Google luôn ưu tiên những gợi ý của chính hãng này trong các kết quả tìm kiếm. Cả 3 vụ kiện này có thể sẽ được hợp nhất và được đưa ra xét xử tại một tòa án liên bang, với quy trình có thể kéo dài nhiều năm.
Giống như các hãng công nghệ lớn khác, Google chịu áp lực từ các cơ quan quản lý không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu trong bối cảnh giới chức các quốc gia đều đang nỗ lực xây dựng các biện pháp phù hợp để kiểm soát những hãng công nghệ ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong đời sống xã hội và kinh tế.
Ngày 17/12, một tòa án Moskva đã phạt Google vì không gỡ bỏ những kết quả tìm kiếm chứa thông tin bị cấm tại quốc gia này. Cơ quan giám sát truyền thông Roskomnadzor cho biết Google bị phạt 3 triệu ruble (khoảng 41.000 USD) vì vi phạm này. Theo Roskomnadzor, Google đã không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật Nga hiện hành, vẫn có khoảng 30% đường dẫn tới các phần tử cực đoan, hoặc tài liệu khiêu dâm bị cấm, hoặc các nội dung liên quan tự sát trên Google không được gỡ bỏ. Theo hãng thông tấn Interfax của Nga, đây là lần thứ 4 trong vài năm trở lại đây Google bị phạt do không gỡ bỏ những nội dung bị cấm.