Ngày 8/4, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc hội nghị khoa học cùng triển lãm quốc tế lần thứ 6 về điều khiển và tự động hóa.
Với chủ đề“Tự động hoá trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia: Thông minh và sáng tạo”, hội nghị và triển lãm diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/4,với 3 hoạt động chính nhằm kết nối và khai thác có hiệu quả sự liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp: hội nghị khoa học, triển lãm quốc tế và diễn đàn doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng Hội nghị khoa học và Triển lãm về điều khiển và tự động hóa lần thứ 6 vẫn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 138 báo cáo khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp.
Theo đó, diễn đàn khoa học thu hút các doanh nghiệp tham gia với 5 phiên: Thành phố thông minh chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất; nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là các gian hàng triển lãm giới thiệu sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp, đơn vị sáng tạo, ứng dụng thành công
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, qua 10 năm triển khai, Hội nghị khoa học và Triển lãm quốc tế về điều khiển và tự động hóa đã định hình rõ nét là một diễn đàn khoa học uy tín thuộc lĩnh vực điều khiển và tự động hóa.
Nêu bật vai trò của lĩnh vực điều khiển và tự động hóa đối với ngành khoa học công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành danh mục gồm 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Trong đó, có khoảng 20 công nghệ thuộc lĩnh vực tự động hóa và 107 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư phát triển với khoảng 30 sản phẩm thuộc lĩnh vực tự động hóa.
Trong các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, công nghệ tự động hóa cũng thuộc nhóm các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu, là cấu phần quan trọng trong nhiều chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia; trong đó có chương trình phát triển công nghệ cao đến năm 2030; chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2030; các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về cơ khí và tự động hóa, vật liệu, năng lượng, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 …