Công trình kéo dài 6 năm, được trình bày tại hội nghị thường niên ENDO 2025 của Hiệp hội Nội tiết học Mỹ, đã theo dõi 200 người đàn ông khỏe mạnh (từ 18 đến 85 tuổi, không mắc tiểu đường, bệnh tim hoặc ung thư) để tìm hiểu mối liên hệ giữa chuyển hóa và chức năng sinh sản.
Kết quả cho thấy, mặc dù mức hormone và các chỉ số tinh dịch nhìn chung vẫn bình thường theo thời gian, nhưng sự di chuyển của tinh trùng và khả năng cương dương lại suy giảm rõ rệt ở những người có đường huyết chỉ tăng nhẹ – thậm chí vẫn thấp hơn ngưỡng chẩn đoán tiểu đường (HbA1c dưới 6,5%).
Giáo sư - bác sĩ Michael Zitzmann, Đại học Y Muenster (Đức), nhận định: "Từ lâu, người ta cho rằng tuổi tác và mức testosterone là nguyên nhân chính làm giảm sức khỏe tình dục nam giới. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mối liên hệ này gắn chặt hơn với những thay đổi chuyển hóa khi đường huyết tăng nhẹ."
Cụ thể, testosterone không tác động trực tiếp đến khả năng cương dương, song có liên quan đến mức độ ham muốn tình dục. Trong khi đó, chỉ số đường huyết dù chỉ nhích lên một chút đã tác động tiêu cực đến chất lượng tinh trùng và khả năng cương.
Nghiên cứu, một phần của dự án FAME 2.0, bắt đầu năm 2014 với 200 người tham gia, kết thúc năm 2020 còn 117 người duy trì theo dõi. Nhóm tác giả đã thu thập dữ liệu về chỉ số chuyển hóa (BMI và HbA1c), đánh giá khả năng cương, ham muốn và phân tích tinh dịch định kỳ.
Theo bác sĩ Zitzmann, điểm tích cực là nam giới hoàn toàn có thể chủ động duy trì sức khỏe sinh sản và tình dục lâu dài nhờ thay đổi lối sống và điều trị y tế kịp thời. Ông nhận định: "Chúng tôi hy vọng những kết quả này sẽ giúp bác sĩ cùng bệnh nhân xây dựng các kế hoạch bảo vệ và phục hồi sức khỏe tình dục hiệu quả. Duy trì sức khỏe tình dục và sinh sản là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay, ngay cả khi tuổi tác tăng lên".