Đưa viễn thám trở thành công nghệ ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực

Với sự phát triển của khoa học, công nghệ viễn thám đã phát triển và đang trở thành công nghệ ứng dụng phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực.

Theo dõi truyền hình trực tiếp việc phóng vệ tinh VNREDSat1 tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ở Hà Nội. Vũ Sinh/TTXVN

Trong đó, trạm thu ảnh viễn thám đã kết nối tạo thành hệ thống hoàn chỉnh để vận hành vệ tinh VNREDSat1 - vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, đã thu nhận được hàng nghìn hình ảnh viễn thám phủ trùm lãnh thổ Việt Nam từ năm 2007 trở lại đây.

Giám sát tài nguyên

Theo đánh giá của Cục Viễn thám quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường, công nghệ viễn thám đang được ứng dụng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, đó là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, giám sát môi trường và trở thành một trong các hướng đi chủ đạo của ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám, nhằm phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Nhiều nhiệm vụ đã được Cục Viễn thám quốc gia triển khai hiệu quả. Tiêu biểu như Dự án “Sử dụng công nghệ Viễn thám và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”; Dự án “Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng”; Dự án “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám” vừa được khởi động năm 2016.

Năm 2014, với việc hoàn thành Dự án giám sát tài nguyên biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám, lần đầu tiên Việt Nam đã “vẽ” nên được bức tranh toàn cảnh về biển đảo quốc gia, với những thông tin trên diện rộng, đa thời gian, chính xác và nhanh chóng nhất.

Từ năm 2016-2018, việc kiểm kê quốc gia khí nhà kính trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) phục vụ xây dựng các báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho công ước khí hậu cũng được khai thác hiệu quả từ công nghệ viễn thám. Nhiệm vụ này được triển khai từ năm 2016 đến 2018.

Quyền Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Năm 2017, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, mở mới, lên kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Dự án “Sử dụng công nghệ viễn thám để đánh giá hiện trạng, diễn biến khô hạn, xâm nhập mặn và tìm kiếm các nguồn nước khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”; Dự án Xây dựng hệ thống giám sát bán tự động xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám và GIS; Dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo một số yếu tố môi trường nước và không khí dải ven biển Việt Nam bằng công nghệ viễn thám”... để có thể mở rộng hơn nữa các ứng dụng viễn thám trong tất cả các lĩnh vực hiện nay Bộ đang quản lý.

Phòng thu ảnh viễn thám. Ảnh: Minh Đông/TTXVN

Giám sát xói lở bờ biển

Cả nước hiện có 284 đoạn bị xói lở, trong đó có 81 đoạn bị xói lở dài từ 200 – 1000m, 57 đoạn dài 1.000 – 2.000m, 47 đoạn dài 2.000 – 6.000m, 12 đoạn bị xói lở dài hơn 6.000m; tốc độ xói lở thay đổi từ 0,2 – 0,4 m/năm đến 100 – 150 m/năm, thậm chí đạt tới 250 m/năm như ở Đức Lợi (Quảng Ngãi). Chỉ tính riêng bờ biển ở các tỉnh, thành phố ở miền Trung trong mấy chục năm trở lại đây đã bị xói lở 8.840 ha, có 186 đoạn bờ được bồi tụ diện tích từ 2,7 - 5,5ha đến 262 - 342ha; tổng diện tích được bồi tụ bờ biển Trung Bộ 5.200ha.

Theo Tiến sỹ Trần Tuấn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, công nghệ viễn thám với việc chụp ảnh liên tục trên vệ tinh, cung cấp chuỗi các hình ảnh trực quan, khách quan, bao quát, chi tiết về bề mặt Trái đất trong thời gian dài. Như vậy, với việc khai thác các thông tin từ ảnh viễn thám cho thấy bức tranh tổng quát về diễn biến biến động bờ sông, bờ biển trên khu vực các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung từ quá khứ cho tới hiện tại. Với độ phủ trùm của ảnh viễn thám lớn nên các thông tin về biến động bờ sông, bờ biển thu chụp được là đồng nhất. Thông tin khai thác được từ ảnh viễn thám còn là các đối tượng liên quan như thông tin về kè, đê, đập, lớp phủ mặt đất…

Qua phân tích các thông tin về biến động đường bờ sông, bờ biển trong quá khứ và hiện tại cũng như các thông tin liên quan khác như việc xây các hồ chứa lớn trên các sông chính… các cơ quan quản lý đánh giá được xu thế của biến động trong tương lai. Thông tin về biến động bờ sông, bờ biển trước và sau khi áp dụng các giải pháp chống xói lở đường bờ có thể đánh giá được tác động của các giải pháp đến xói lở bờ sông, bờ biển. Vấn đề xói lở bờ biển đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà quản lý và khoa học.

Đối với nguyên nhân nội sinh, công nghệ viễn thám không trợ giúp được nhiều. Bằng việc cung cấp hình ảnh trên diện rộng nên viễn thám có thể trợ giúp trong phân tích cấp hình ảnh về cấu trúc địa chất. Với nguyên nhân ngoại sinh, viễn thám có thể cung cấp hầu hết các thông tin về trường sóng như hướng sóng, độ cao sóng, hướng dòng chảy, tốc độ dòng chảy, hàm lượng chất lơ lửng trong bề mặt nước biển. Đối với các nguyên nhân do hoạt động của con người, viễn thám cho phép cung cấp các thông tin như hệ thống các công trình thủy lợi, hiện trạng sử dụng đất, chặt phá rừng, các công trình xây dựng chống xói lở…

Bên cạnh đó, với lợi thế chụp ảnh liên tục, ảnh rộng viễn thám có thể cung cấp chuỗi thông tin phục về các yếu tố liên quan đến xói lở bờ biển, cũng như diễn biến xói lở từ quá khứ đến hiện tại. Thông tin này là hết sức hữu dụng trong nghiên cứu xói lở bờ biển. Dựa vào các thông tin này có thể đánh giá nguyên nhân gây ra xói lở bờ biển, đánh giá hiệu quả các giải pháp áp dụng chống xói lở. Hơn nữa, thông tin chuỗi thời gian về hiện trạng xói lở còn giúp đưa ra dự báo xói lở trong tương lai. Như vậy, công nghệ viễn thám là hết sức hữu hiệu trong trợ giúp giảm nhẹ và ứng phó với xói lở bờ biển.

Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ viễn thám, Cục Viễn thám quốc gia đã và đang chú trọng việc xây dựng và ban hành các quy trình ứng dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Mục tiêu là nhằm có được hệ thống đồng bộ thu nhận, xử lý dữ liệu và sử dụng tư liệu ảnh viễn thám đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ, giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành và địa phương.

Đồng thời Cục đang hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám, nhằm đảm bảo đầu tư đồng bộ, thống nhất, an toàn an ninh công nghệ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động ứng dụng công nghệ viễn thám; tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ viễn thám. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghệ viễn thám, kinh tế tri thức và tăng cường hợp tác trong và ngoài nước; liên kết, xã hội hóa về công nghệ viễn thám.


Văn Hào (TTXVN)
Công nghệ viễn thám giúp phòng ngừa cháy rừng
Công nghệ viễn thám giúp phòng ngừa cháy rừng

Năm 2015, tình hình hạn hán, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng ở Hậu Giang vào mùa khô được báo động đến cấp cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, nhờ khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy cũng như ứng dụng công nghệ viễn thám FIRMS, Hậu Giang không để xảy ra vụ cháy rừng nào, đạt thành tích là tỉnh 5 năm liền không xảy ra cháy rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN