Nằm cách Trái Đất gần 150 triệu km, Mặt Trời giữ cho hành tinh của chúng ta đủ ấm áp để mọi sinh vật có thể phát triển mạnh mẽ. Từ hàng tỷ năm nay, Mặt Trời “tương tác” với Trái Đất, từ giúp cỏ cây quang hợp để sinh trưởng đến tạo ra nắng, mưa, gió... để con người và động vật sinh tồn…
Từng có quan niệm cho rằng tác động của bức xạ Mặt Trời là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ Trái Đất nóng lên, song các dữ liệu vệ tinh trong vòng hơn 30 năm qua cho thấy năng lượng Mặt Trời cung cấp cho Trái Đất không hề gia tăng và tình trạng ấm lên toàn cầu hiện nay không thể đổ lỗi cho sự thay đổi hoạt động của Mặt Trời.
“Thủ phạm” làm tăng nhiệt trên Trái Đất gây ra hiện tượng băng tan và làm nóng các đại dương chính là khí nhà kính tồn tại lâu dài trong khí quyển. Từ năm 1990, lượng khí nhà kính đã làm gia tăng 41% tổng bức xạ, nhân tố gây ra quá trình nóng lên toàn cầu. Trong đó, khí CO2 chiếm 82% lượng bức xạ gia tăng trong thập niên vừa qua.
Riêng trong năm 2017, nồng độ CO2 trong khí quyển đã lên mức trung bình toàn cầu 405,5 phần triệu (ppm), cao hơn gần 50% so với giai đoạn trước khi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp, và đang tiếp tục tăng cao hơn nữa.
Sự gia tăng đột biến nồng độ khí CO2 khiến Trái Đất không thể hấp thu được hết lượng khí thải độc hại này cũng như các khí gây hiệu ứng nhà kính khác đang dư thừa trong bầu khí quyển, làm nhiệt độ Trái Đất tăng lên, dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu.
Thực tế cho thấy các hoạt động sinh sống và sản xuất không kiểm soát của con người hiện nay là nguồn phát thải chính các khí gây hiệu ứng nhà kính. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu con người tiếp tục khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phục vụ các lĩnh vực như giao thông, năng lượng và công nghiệp, với tốc độ hiện tại thì đến năm 2250, nồng độ CO2 trong không khí sẽ tăng lên mức cao chưa từng thấy trong 200 triệu năm qua kể từ kỷ Trias – thời kỳ nóng nhất trong lịch sử Trái Đất với hai cực địa cầu không hề có băng tuyết.
Trong những năm gần đây, con người đã chứng kiến các vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng nề, các đợt nắng nóng đỉnh điểm hay những cơn bão có sức tàn phá trên diện rộng khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất mới chỉ tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Sự nóng lên toàn cầu cũng kéo theo rủi ro ngày càng gia tăng liên quan đến khí hậu đối với sức khỏe, sinh kế, an ninh lương thực, cấp nước, an ninh con người và tăng trưởng kinh tế. Tổng Thư ký WMO Taalas cảnh báo nếu không cắt giảm nhanh lượng khí CO2 và các loại khí nhà kính khác, nhiệt độ Trái Đất có thể tăng từ 3-5 độ C vào cuối thế kỷ này, khi đó biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gây ra những tác động tàn phá không thể đảo ngược đối với sự sống trên Trái Đất.
Nhận thức được những nguy cơ tiềm tàng này, nhiều tổ chức quốc tế cũng như chính phủ các nước đã hợp tác và triển khai các biện pháp nhằm cứu “hành tinh xanh”. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, con người đã và đang nghiên cứu chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, trong đó năng lượng mặt trời đang ngày càng phổ biến.
Ngay cả trong điều kiện thời tiết nhiều mây, Mặt Trời cũng có thể cung cấp một nguồn năng lượng thay thế các nguồn năng lượng khác. Được coi là nguồn năng lượng sẵn có và vô tận, năng lượng mặt trời đang được sử dụng để sản xuất điện năng, sưởi ấm hoặc khử mặn nước. Trong đó, pin mặt trời là một trong những công nghệ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất khi chúng được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, trên mái nhà, cửa sổ, các tòa nhà văn phòng, bộ sạc pin, máy tính, ô tô, máy bay… Thậm chí, pin mặt trời có thể giúp mang lại khả năng tiếp cận điện cho những người sinh sống ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt là ở các nước đang phát triển có nguồn năng lượng mặt trời tuyệt vời.
Đức, Trung Quốc và Nhật Bản là ba trong số những quốc gia sử dụng nhiều năng lượng mặt trời mặt trời nhất thế giới, ước tính có thể cung cấp điện cho hơn 1 triệu người. Thành phố Sydney của Australia còn đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030. Trước đó, năm 2016, hai phi công Thụy Sĩ đã hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới đầu tiên với hơn 40.000 km bằng máy bay năng lượng mặt trời. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Đại học Illinois và Đại học Maryland của Mỹ còn phát hiện ra việc lắp đặt các trang trại gió và năng lượng mặt trời tại sa mạc Sahara ở châu Phi không chỉ làm chậm quá trình ấm lên của Trái Đất mà còn giúp tăng lượng mưa ở khu vực khô hạn này.
Có thể thấy năng lượng mặt trời đang trở thành “vũ khí” chống biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, việc tận dụng nguồn năng lượng mặt trời trong hoạt động sản xuất cũng như đời sống xã hội ở nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là tại các nước nghèo và kém phát triển ở khu vực châu Á và châu Phi. Vấn đề đặt ra là cần những giải pháp tổng thể giúp những công nghệ liên quan đến năng lượng mặt trời được áp dụng rộng rãi hơn và trở thành xu thế trong tương lai, để Mặt Trời có thể trở thành “bạn đồng hành” của Trái Đất trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông qua chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm nay, WMO cũng muốn góp phần nâng cao ý thức chủ động của toàn xã hội trước những tác động Mặt Trời đến đời sống của nhân loại, chủ động bảo vệ sức khỏe và sinh kế, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, khai thác nguồn năng lượng mặt trời góp phần hiệu quả phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai phục vụ an toàn đời sống xã hội.