Đầu tư làm chủ trí tuệ nhân tạo mang bản sắc Việt

Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã nỗ lực làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) khi hình thành liên minh giữa các doanh nghiệp, viện, trường đại học với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI và công nghệ số của khu vực.

Đầu tư lớn để làm chủ công nghệ AI

Trước các cơ hội về ứng dụng AI rộng khắp và các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, bà Đinh Thị Thuý, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Misa cho biết: Doanh nghiệp (DN) công nghệ nhận thấy đây là thời cơ, cơ hội rất lớn khi Nhà nước quan tâm và có kế hoạch đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường.

Chú thích ảnh
Công nghệ trí tuệ nhân tạo được ứng dụng tại nhiều lĩnh vực.

Theo bà Đinh Thị Thuý, Nghị quyết 57 có 3 nội dung mà trong đó đã nêu rõ mong muốn doanh nghiệp công nghệ Việt làm chủ công nghệ của người Việt, làm các sản phẩm Make in Viet Nam, của người Việt Nam, làm chủ công nghệ lõi để không bị phụ thuộc, làm chủ cuộc chơi, tự tin phát triển.

“Misa cam kết làm chủ công nghệ và trong vòng 5 năm đầu tư 2.500 tỷ đồng để làm chủ công nghệ AI. Đây là một mục tiêu thách thức vô cùng lớn”, bà Đinh Thị Thuý nhấn mạnh.

Trong khi đó, FPT lựa chọn cách đứng trên vai người khổng lồ, có nghĩa là tận dụng những mô hình đã có, sáng tạo thêm về kiến trúc và phương pháp huấn luyện để phù hợp với đặc thù Việt Nam. “Thành công của DeepSeek đã cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm AI có giá trị riêng cho người Việt”, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT khẳng định.

Để phát triển sản phẩm AI, ông Vũ Anh Tú cho rằng: Việt Nam cần tự chủ dữ liệu bởi chúng ta đang thiếu dữ liệu chất lượng cho việc huấn luyện mô hình lớn, phần vì hạ tầng số chưa hoàn thiện, phần vì dữ liệu chưa được chia sẻ hiệu quả. Giải pháp là đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện các ngành y tế, giáo dục, hành chính công…; khuyến khích chia sẻ nguồn dữ liệu công cộng, phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. Ví dụ, khi sở hữu dữ liệu y tế có chiều sâu, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các hệ thống dự đoán và chăm sóc sức khỏe chủ động, phù hợp với đặc điểm bệnh lý của người Việt.

Cùng với đó, từ năm 2024, FPT đã đầu tư và cung cấp hạ tầng AI tại Việt Nam và Nhật Bản. Hạ tầng hiện đại giúp rút ngắn thời gian thử nghiệm một ý tưởng AI từ 45 ngày xuống chỉ còn 1 ngày - mở ra tiềm năng lớn trong nghiên cứu và phát triển (R&D) và thương mại hóa công nghệ. Tuy nhiên, để R&D phát triển bền vững ở quy mô quốc gia, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước – doanh nghiệp - nhà trường.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Uỷ ban AI và Đạo đức AI VINASA cho biết, người Việt Nam rất giỏi trong việc phát triển AI, nhất là GenAI nhờ kết hợp giữa trực giác và toán học. Dù vậy, Việt Nam chưa có nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, khi gặp những khó khăn nhất định như thiếu dữ liệu lớn, thiếu chuyên gia và cần đầu tư mạnh hơn nữa về nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn.

Còn theo ông Vũ Thanh Tùng, Giảm đốc Sản phẩm AI Cloud, GreenNode, đơn vị này đã triển khai giải pháp AI cho ngân hàng với 13.000 nhân sự. Để rồi, sau một thời gian triển khai, ngân hàng này đã giảm 2/3 thời gian xử lý giấy tờ, tiết kiệm hơn 2.000 ngày làm việc cùng hơn 15 tỷ đồng mỗi năm.

Dù vậy, theo ông Tùng, trong quá trình triển khai cho các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam, GreenNode cũng đã gặp rất nhiều thách thức bao gồm: Dữ liệu rời rạc, tốn kém chi phí để quản trị, đòi hỏi kỹ năng và nguồn lực để di chuyển dữ liệu vào một kho tập trung; Quy trình thay đổi liên tục theo biến động thị trường; Dữ liệu nhạy cảm và yêu cầu bảo mật cao; Thiếu nguồn nhân lực phát triển AI và dữ liệu.

AI trở thành công cụ hàng ngày

Ông Hồ Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ KH&CN) cho hay, trí tuệ nhân tạo đang trở thành công cụ làm việc hằng ngày. AI có mặt trong điện thoại của mọi người, trên bàn làm việc, và đang thay đổi cách thức hoạt động của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan Nhà nước. Doanh nghiệp toàn cầu đã nhanh chóng lên “con tàu” AI. Năm 2023, 55% doanh nghiệp sử dụng AI; năm 2024, con số này đã là 75%. Thông điệp rõ ràng là AI không phải xu hướng tương lai, mà đang là hiện thực.

Kể câu chuyện thực tế tại đơn vị mình, ông Hồ Đức Thắng thông tin, hiện nay cơ quan Nhà nước đang thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ lớn: Vừa đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, vừa tinh gọn bộ máy, kết quả là khối lượng công việc trên vai mỗi công chức tăng đáng kể.

Ngay tại Cục Chuyển đổi số quốc gia, có những trưởng phòng đã tự bỏ khoản tiền không nhỏ so với lương công chức là 5 triệu đồng mỗi tháng để mua tài khoản GPT Pro, bởi nếu không có sự hỗ trợ của trợ lý ảo, họ sẽ không thể xử lý được khối lượng công việc lớn.

“AI không phải lựa chọn mà là một công cụ cần thiết. Những chuyên viên giỏi nhất lại là những người dùng AI nhiều nhất. Ngược lại, ai biết dùng AI hiệu quả thì công việc càng trở nên xuất sắc”, ông Hồ Đức Thắng chia sẻ thêm.

Đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cho biết: Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030 đang được khẩn trương hoàn thiện. Đây không chỉ là văn bản chính sách, mà là lộ trình hành động cụ thể để Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn dẫn đầu trong lĩnh vực AI.

Theo các chuyên gia, muốn phát triển AI, trước tiên phải có nền tảng vững chắc. Với AI, có 2 thứ cơ bản là sức mạnh tính toán và dữ liệu chất lượng. Dự kiến, Nhà nước sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng tính toán, cung cấp với chi phí hợp lý cho cộng đồng nghiên cứu, startup và doanh nghiệp.

Về dữ liệu, thời gian tới, Nhà nước sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia, hoàn thiện hệ thống thể chế về dữ liệu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Để phổ cập AI toàn dân và toàn diện, Bộ KH&CN, trực tiếp là Cục Chuyển đổi số quốc gia đề xuất cách làm: Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có kế hoạch đưa AI vào công việc. Các địa phương sẽ tập trung vào dịch vụ công trực tuyến và đô thị thông minh; và các bộ, ngành sẽ ứng dụng AI theo từng lĩnh vực chuyên môn. Mục tiêu hướng tới là AI sẽ có được ứng dụng vào mọi lĩnh vực và ai cũng được tiếp cận, hưởng lợi từ AI.

Đối với nguồn nhân lực, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Hồ Đức Thắng thông tin: Chiến lược đặc biệt coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực. Giáo dục AI được đề xuất đưa vào tất cả các cấp học từ tiểu học trở lên, đồng thời sẽ đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có để họ thành thạo, sử dụng hiệu quả công cụ AI.

Song song đó, Nhà nước sẽ có chính sách thu hút nhân tài, hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi về AI và giao các bài toán lớn cho các chuyên gia này để tư vấn hỗ trợ; hình thành mạng lưới khoảng 1.000 chuyên gia giỏi và khoảng 50.000 kỹ sư về AI trong 5 năm tới.

Về tài chính, Chiến lược chủ trương đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ tài chính cho cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp. Bên cạnh các quỹ nhà nước phục vụ nghiên cứu phát triển, chúng tôi thiết lập các KPI để ưu tiên đầu tư cho AI - như 5% Quỹ phát triển KHCN quốc gia, 30% Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. Đặc biệt, Chiến lược dự kiến dành khoảng 20% Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng AI.

Để tránh chồng chéo và tận dụng được nguồn lực của nhau, mới đây, Liên minh AI Âu Lạc gồm hơn 20 đơn vị tham gia như một lời giải cho các thách thức này. Dựa trên thế mạnh của các thành viên, Liên minh AI Âu Lạc sẽ ‏‏tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm: Nghiên cứu phát triển, Xây dựng quy chuẩn và chính sách về AI, Đào tạo‏‏ ‏

‏Trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D)‏‏, các thành viên sẽ cùng nhau phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) với khả năng xử lý tiếng Việt chính xác, tự nhiên, phù hợp với văn hóa và bản sắc Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy kinh tế quốc gia.

Đồng thời, các thành viên cũng sẽ cùng hợp lực để xây dựng một cộng đồng AI mở, minh bạch, nơi mọi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thể tự do tiếp cận và sử dụng các tài sản công khai (bao gồm mã nguồn, dữ liệu và mô hình), kể cả cho mục đích thương mại, nhằm thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng AI tại Việt Nam, hiện thực hóa chủ quyền AI quốc gia và nâng cao vị thế công nghệ của Việt Nam. ‏

‏Trong lĩnh vực xây dựng quy chuẩn và chính sách về AI‏‏, Liên minh AI Âu Lạc sẽ tham gia đóng góp ý kiến về chính sách, tiêu chuẩn và bộ quy tắc về liên quan đến AI nhằm đảm bảo các sản phẩm AI an toàn, có trách nhiệm, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật.‏

XM/Báo Tin tức và Dân tộc
Doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ hoàn tất chuyển đổi dữ liệu ngành thuế theo mô hình chính quyền 2 cấp
Doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ hoàn tất chuyển đổi dữ liệu ngành thuế theo mô hình chính quyền 2 cấp

Từ ngày 1/7/2025, ngành thuế vận hành mô hình tổ chức theo chính quyền địa phương hai cấp và áp dụng mã định danh cá nhân thay thế mã số thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN