Hội thảo có sự tham gia của gần 50 chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng Lê Đức Viên, trong 10 năm qua, thành phố đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 73 văn bản trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt trong những năm gần đây đã ban hành các văn bản quan trọng về hình thành, phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố như: chính sách đặc thù của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; chính sách về hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa... Thông qua các chính sách đã góp phần phát triển nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ từ các Viện, trường và gia tăng nhu cầu, năng lực tiếp cận, làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các chính sách đã xác định mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo liên kết, kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tập trung chia sẻ, thảo luận các nhóm nội dung: Kinh nghiệm phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế gắn liền bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo mở; Hiện trạng phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng; Dự thảo Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030…
Theo ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, Trưởng Làng công nghệ Metaverse Việt Nam, thị trường khoa học và công nghệ của thành phố Đà Nẵng đang từng bước hình thành nhưng chưa sôi động, thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh, nhất là các tổ chức có năng lực về tư vấn, định giá, xúc tiến, kết nối chuyển giao công nghệ. Lượng giao dịch hàng hóa công nghệ còn hạn chế, tốc độ phát triển còn chậm và thị trường còn nhỏ lẻ; việc hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ như thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học vẫn còn hạn chế. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng cần xây dựng Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên cơ sở nghiên cứu chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức trung gian phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đề xuất biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế để phát triển mạnh mẽ thị trường, tăng lượng giao dịch chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ, hàng hóa khoa học và công nghệ...
Tính đến tháng 11/2022, toàn thành phố Đà Nẵng đã thu hút 515 dự án trong nước và ngoài nước đầu tư (trong đó có 386 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư 30.461,8 tỷ đồng và 129 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư là 1.969 triệu USD vào khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung. Theo dự thảo Đề án, Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ lên 15% vào năm 2025 và lên 20% năm 2030; đồng thời hình thành các tổ chức trung gian, cơ sở dữ liệu. kết nối cung cầu…