Bộ quy chuẩn về thiết bị âm thanh an toàn do các chuyên gia của WHO và ITU nghiên cứu và phát triển trong 2 năm; và nằm trong sáng kiến "Hãy nghe an toàn" của WHO. Theo bộ quy chuẩn không ràng buộc này, WHO cho rằng cường độ âm thanh trên mức 85 decibel được nghe trong vòng 8 giờ hoặc 100 decibel trong vòng 15 phút là không an toàn.
Bộ quy chuẩn này đồng thời kêu gọi thiết lập một phần mềm về điều chỉnh âm thanh trong mọi thiết bị âm thanh, qua đó nhằm theo dõi mức âm lượng, thời gian người sử dụng tiếp xúc với âm thanh và đưa ra đánh giá về nguy cơ đối với thính lực của người dùng.
Bên cạnh đó, bộ quy chuẩn đề xuất rằng mỗi thiết bị âm thanh có thể cung cấp hồ sơ về âm lượng được cá nhân hóa dựa trên thói quen điều chỉnh âm lượng của người dùng. Không chỉ vậy, trong các thiết bị âm thanh, cần có các lựa chọn tự điều chỉnh âm thanh, bao gồm cả việc tự động giảm âm lượng khi người sử dụng nghe quá to và chức năng quản lý âm lượng đối với trẻ nhỏ.
Lý giải cho sự ra đời của bộ quy chuẩn trên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ trên thế giới đã có công nghệ giúp người sử dụng bảo vệ thính lực, song vẫn còn nhiều thanh niên trẻ tiếp tục hủy hoại thính lực của mình bằng cách nghe nhạc quá to. Ông nhấn mạnh họ cần hiểu rằng thói quen này có thể khiến họ bị mất thính lực mãi mãi.
Theo thống kê của WHO, 50% trong số người ở độ tuổi từ 12 đến 35 tuổi, tương đương khoảng 1,1 tỷ người, có nguy cơ bị giảm thính lực do nghe âm lượng quá to trong thời gian dài, bao gồm cả việc nghe nhạc với âm lượng lớn bằng các thiết bị âm thanh cá nhân.
Hiện nay, khoảng 466 triệu người, tương đương 5% dân số toàn cầu, trong đó gồm 34 triệu trẻ em, đã bị mất thính lực, song WHO chưa rõ có bao nhiều người trong số này mất khả năng nghe do thường xuyên nghe âm lượng quá to.
WHO ước tính đến năm 2050, hơn 900 triệu người, hoặc cứ 1 trong số 10 người trên thế giới, sẽ bị mất thính lực, gây ra thiệt hại toàn cầu lên tới 750 tỷ USD.