“Cuộc chiến” máy ảnh với smartphone

Tập đoàn Panasonic và các nhà sản xuất camera hạng trung khác của Nhật Bản như Fujifilm và Olympus đang phải đối mặt với cuộc tấn công khốc liệt của điện thoại thông minh nhằm vào dòng máy ảnh không gương lật mà các công ty này đang đặt nhiều hy vọng.


Máy ảnh smartphone lên ngôi


Theo số liệu nghiên cứu của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC), Panasonic cùng với các tập đoàn Olympus và Fujifilm đã và đang thua lỗ lớn trên thị trường máy ảnh kể từ khi điện thoại có chức năng chụp ảnh chất lượng cao nhưng cũng rất nhỏ gọn ra đời. Năm 2013, doanh số bán máy ảnh của các công ty trên đã giảm hơn 40%, xuống còn chưa đầy 59 triệu chiếc. Sự sụt giảm doanh số của Panasonic trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 12/2013 đã ảnh hưởng không nhỏ tới công ty này do kế hoạch trung hạn của Panasonic đặt ra đến tháng 3/2016 là sẽ phải đối mặt với kinh doanh không lợi nhuận và phải sa thải hàng loạt công nhân.

 

Một mẫu máy ảnh mới của tập đoàn Nikon.


"Nếu xét về trung và dài hạn, các nhà sản xuất máy ảnh kỹ thuật số đang trượt dốc và không làm chủ được thị trường", Yu Yoshida, chuyên gia của Credit Suisse nói.


Theo IDC, Panasonic chỉ chiếm 3,1% thị trường máy ảnh trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 12/2013 - giảm so với 3,8% năm ngoái. Và cũng như máy ảnh số từng hủy diệt thị trường máy ảnh phim trước đây, smartphone chụp ảnh đang khiến các công ty máy ảnh nổi tiếng khác như Olympus, Sony, Canon hay Nikon điêu đứng hơn bao giờ hết.


Các “ông lớn” máy ảnh trên tỏ ra chủ quan, chẳng thèm để ý đến smartphone - những đối thủ mà họ cho là "không xứng tầm, chất lượng thấp, chỉ được cái tiện lợi". Nhưng nay, họ đang phải gánh chịu những hậu quả của quan niệm sai lầm đó. Các cuộc khảo sát cho thấy: chụp ảnh là việc người ta làm nhiều nhất trên điện thoại smartphone, hơn cả gọi điện và nhắn tin. "Thị trường máy ảnh số đang trượt dốc nhanh hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng tôi, nhất là khi các hãng smartphone đang ráo riết chạy đua về tính năng chụp ảnh như hiện nay", ông Hiroyuki Sasa, chủ tịch hãng Olympus, chua chát nói.


Liệu có “lật ngược” được tình thế?


Trong bối cảnh trên, Panasonic, Fujifilm và Olympus đang tìm cách chống lại sự đe dọa từ điện thoại thông minh bằng cách từ bỏ phân khúc máy ảnh giá rẻ để tập trung vào các sản phẩm cao cấp và tung ra các mẫu không gương lật lợi nhuận cao hơn. Sony được đồn đoán là sẽ cho ra mắt một mẫu lai giữa Cyber shot với Xperia. Tương tự, Nikon cũng ấp ủ một sản phẩm lai giữa smartphone với máy ảnh với sứ mệnh "thay đổi toàn bộ cái nhìn về máy ảnh".


"Chỉ có những công ty có thương hiệu mạnh và có giá cả cạnh tranh mới tồn tại được và cũng chỉ có Canon, Nikon và Sony là đủ 2 tiêu chí trên”, ông Yoshida nói và cho biết thêm rằng hiện Canon và Nikon chiếm lĩnh thị trường máy ảnh máy ảnh ống kính rời - SLR trong khi Sony có thể tồn tại trên thị trường qua bất kỳ sự “sàng lọc” nào nhờ lợi thế trong việc bán song song cả máy ảnh chuyên dụng lẫn smartphone. Hơn nữa, công nghệ chụp ảnh của Sony cũng đang được nhiều hãng smartphone như Apple đặt hàng.


Trong khi đó, máy ảnh không gương lật hứa hẹn mang đến cho các nhà sản xuất hạng trung sự tăng trưởng. Máy ảnh không gương lật loại bỏ sự phụ thuộc vào các gương bên trong kính ngắm quang học, do đó người dùng có thể tạo ảnh thông qua kính ngắm điện tử hoặc màn hình tinh thể lỏng. Điều này cho phép máy ảnh nhỏ, gọn hơn dòng SLR, trong khi mang lại chất lượng tốt hơn so với máy ảnh du lịch hoặc điện thoại thông minh do có cảm biến lớn hơn và có thể thay ống kính.


"Trong khi một số người cho rằng máy ảnh SLR vẫn có chất lượng hình ảnh tốt hơn, thì máy ảnh không gương lật cũng đã được cải thiện để cho chất lượng hình ảnh tương đương, nếu không muốn nói là cao hơn”, Hiroshi Tanaka, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu quang học của Fujifilm nói.


Các nhà phê bình phàn nàn rằng màn hình LCD không bao giờ có thể cạnh tranh với độ nét của kính ngắm quang học và tốc độ chụp ảnh nhìn chung là quá chậm đối với các mục tiêu chuyển động ở tốc độ cao. Tuy nhiên, định dạng không gương lật đã trở nên “hot” ở Nhật Bản kể từ khi Panasonic ra mắt mẫu sản xuất trong nước đầu tiên năm 2008, G1.


Theo các nhà phân tích, người tiêu dùng không muốn kết nối máy ảnh với điện thoại, họ muốn có một giao diện duy nhất mà ngay lập tức có thể tải hình ảnh lên các trang mạng xã hội như Twitter và Facebook. "Rất nhiều người tiêu dùng trông đợi các nhà sản xuất máy ảnh đưa ra một điều gì đó thực sự sáng tạo”, Chris Chute, người đứng đầu nhóm nghiên cứu ảnh kỹ thuật số tại IDC nói.



Công Thuận (theo Reuters)


Cuộc đua giữa hai ‘siêu phẩm’ iPhone 6 và Galaxy S5
Cuộc đua giữa hai ‘siêu phẩm’ iPhone 6 và Galaxy S5

Trong khi iPhone 5S chỉ mới trình làng được 4 tháng thì những tin đồn về chiếc iPhone 6 của Apple đã “khuấy đảo” thị trường hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN