Được phát triển bởi MELUX, công nghệ nhận dạng có độ chính xác cao mang tên AirWave lại dựa trên những đường tĩnh mạch và mao mạch nhỏ bé trong bàn tay của con người.
Theo trang tin Oddity Central, AirWave hiệu quả gấp 1 triệu lần so với công nghệ nhận diện khuôn mặt. Chỉ có khoảng 80 – 280 điểm đặc trưng trên mặt mà trí tuệ nhân tạo có thể đánh giá khi kiểm tra một cá nhân. Tuy nhiên, AirWave có thể quét trên 1 triệu đặc điểm trong lòng bàn tay chỉ với 0,3 giây, qua đó khiến việc gian lận trở nên gần như bất khả thi. Chỉ cần một cú lướt bàn tay qua thiết bị cảm biến đặc biệt là bạn đã hoàn thành quy trình xác thực siêu chính xác trong thời gian thực.
“Công nghệ mạch máu bàn tay AirWave, dựa trên trí tuệ nhân tạo, có khả năng cảm nhận hàng triệu điểm đặc trưng của những mạch máu siêu nhỏ, từ các tĩnh mạch chính đến mao mạch. Chỉ bằng một cú lướt tay, người dùng vẫn duy trì chuyển động trong khi được nhận dạng”, Xie Qinglu - nhà sáng lập kiêm chủ tịch của MELUX chia sẻ với tờ China Daily.
Theo ông, mỗi tĩnh mạch và mao mạch dưới da người đều độc nhất vô nhị. Chúng nhỏ chừng 5 micromét, thậm chí còn tinh vi hơn các hệ thống đường bộ trong đô thị.
Ngày nay, xã hội không tiền mặt ở Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào công nghệ nhận diện khuôn mặt, mã QR và hệ thống mật khẩu để ủy quyền thanh toán di động. MELUX cho rằng những lựa chọn hiện nay có thể bị tội phạm mạng lợi dụng cũng như khó sử dụng đối với người lớn tuổi. Những lo ngại về quyền riêng tư, đặc biệt về công nghệ nhận diện khuôn mặt, cũng là một yếu tố quan trọng. Vì thế, AirWave được cho là hiệu quả hơn và an toàn hơn, trong khi cũng dễ sử dụng hơn.
Được công bố từ năm 2018, AirWave đã tạo nên những làn sóng ở Trung Quốc trong năm qua và đang được sử dụng tại nhiều nhà hàng, cơ quan dịch vụ công tại tỉnh Quảng Đông. Được biết, MELUX đang đàm phán với một nhà điều hành tàu điện ở Quảng Đông để triển khai công nghệ AirWave tại đây.
Theo kịp đà phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng trở nên ngày càng phổ biến trong ngành giáo dục ở Trung Quốc.
Thời gian gần đây, nhiều trường học tại Trung Quốc đã áp dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt để điểm danh, giám sát học sinh nhằm ngăn chặn vấn nạn học sinh trốn học, lơ là trong học tập.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin Đại học Trung Y Dược Nam Kinh tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) vừa công bố trên trang web của mình hôm thứ Năm (29/8) rằng họ là một trong những tổ chức giáo dục đại học đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt để điểm danh và giám sát sinh viên trong lớp học.
Ông Xu Jianzhen, Giám đốc Thư viện và Trung tâm thông tin của trường, cho biết 2 phòng học của trường đã được trang bị hệ thống điểm danh bằng phần mềm nhận diện khuôn mặt, camera sẽ tự động chụp lại khuôn mặt của từng sinh viên trong lớp mà không cần sự hợp tác của họ.
Bên cạnh những ý kiến phản hồi tích cực, dự án này cũng gặp phải một số tranh cãi khi một số người chỉ trích lo ngại về quyền riêng tư của sinh viên và giáo viên bị xâm phạm.