Có thể mã hóa thông tin cho 10 bản án trong 1 giờ

Sáng 7/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh giải pháp tăng cường công nghệ thông tin, trong đó áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Ứng dụng trợ lý ảo cho hệ thống Tòa án giúp giảm 30% khối lượng công việc so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ Hệ thống Tòa án hiện hành.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đã đề ra 17 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Đáng chú ý là tăng cường công tác hòa giải, từ khi luật Hòa giải đi vào hoạt động, các vụ án được hòa giải chiếm hơn 20%, giảm áp lực đáng kể.

''Cùng với đó là tăng cường công nghệ thông tin, đặc biệt đưa vào phần mềm trợ lý ảo. Đến nay, đã có hơn 3,4 triệu lượt thẩm phán, thư ký sử dụng phần mềm trợ lý ảo, nhờ đó, năng suất lao động đã tăng lên. Trước đây, phải mất 1 buổi để mã hóa và đưa lên mạng 1 vụ án, hiện nay chỉ 1 giờ có thể đưa lên 10 vụ án”, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Ngoài ra, Chánh án TAND Tối cao cũng nêu giải pháp tăng cường đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ thẩm phán, đề cao trách nhiệm, động viên các thẩm phán hoàn thành nhiệm vụ. Giải pháp căn cơ sắp tới là đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án; hỗ trợ cho Tòa án trong việc chủ động bố trí bộ máy hợp lý hơn, hình thành các tòa chuyên biệt để giải quyết các vụ án có tính chuyên môn sâu; thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán; có chế độ phù hợp với thẩm phán.

Chú thích ảnh
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết: Về lâu dài, số lượng công việc tăng lên hàng năm, mỗi năm tăng 8 - 9%. Hiện tòa giải quyết hơn 600.000 vụ/năm, tương lai số vụ này có xu hướng tăng đều. “Về lâu dài, đề xuất các cấp có thẩm quyền tăng biên chế một cách hợp lý cho hệ thống tòa án”, theo ông Nguyễn Hòa Bình.

Mới đây trong ''Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023'', Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện ngành TT&TT đang phát triển 4 trợ lý ảo quan trọng trong lĩnh vực pháp luật: Phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định; hỗ trợ thẩm phán tra cứu pháp luật; trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, đến các quy định của Nhà nước. 

Trong đó, trợ lý ảo do Viettel phát triển hỗ trợ thẩm phán tra cứu pháp luật, đã được đưa vào hoạt động và giúp giảm thời gian xử lý của các thẩm phán tới 30%. ''Qua hơn 1 năm thử nghiệm, trợ lý ảo pháp luật hỗ trợ các thẩm phán đã chứng minh được hiệu quả tích cực. Cụ thể, ứng dụng giúp giảm 30% lượng công việc so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ hệ thống Tòa án'', ông Trần Mạnh Quân, Phó Giám đốc Khối nền tảng trợ lý ảo (Trung tâm Không gian mạng Viettel) cho biết.

Ứng dụng cũng có thể hỗ trợ lập kế hoạch giải quyết án, tạo lập và quản lý hồ sơ án điện tử, thậm chí chỉ dẫn chi tiết các bước, biểu mẫu thực hiện theo đúng quy định về tố tụng như một sổ tay điện tử cho từng vụ án. Công cụ này còn tự động tạo các tài liệu pháp lý mẫu, như giấy triệu tập, quyết định tạm giam, hỗ trợ viết một phần nội dung bản án, tiếp nhận đơn, chuẩn bị trước, trong và sau phiên tòa...

Minh Phương/Báo Tin tức
Viettel thử nghiệm thành công trợ lý ‘AI’ cho hệ thống tòa án Việt Nam
Viettel thử nghiệm thành công trợ lý ‘AI’ cho hệ thống tòa án Việt Nam

Tập đoàn Viettel đã thử nghiệm thành công Trợ lý ảo pháp luật phục vụ Hệ thống Tòa án, giúp giảm 30% khối lượng công việc so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ Hệ thống Tòa án hiện hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN