Các đại sứ EU đã nhất trí với dự luật về AI tại cuộc họp ngày 2/2 ở Brussels, sau khi giải quyết được các quan ngại của Pháp và Đức. Pháp lo ngại vấn đề bản quyền và AI tạo sinh trong khi những ý kiến ở Đức cho rằng dự luật đặt ra các rào cản quá mức với doanh nghiệp.
Tháng 4/2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất khung pháp lý đầu tiên của EU đối với AI. Đề xuất này nhằm tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như bảo đảm để các hệ thống AI được đưa vào thị trường EU tuân thủ luật pháp hiện hành của khối, bảo đảm sự chắc chắn về mặt pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và đổi mới AI, tăng cường quản trị và thực thi hiệu quả luật pháp EU về các quyền cơ bản và yêu cầu an toàn cho hệ thống AI, tạo điều kiện phát triển một thị trường chung cho các ứng dụng AI hợp pháp, an toàn và đáng tin cậy cũng như ngăn chặn sự phân mảnh của thị trường.
Theo dự luật, EC đề xuất thiết lập các tiêu chí phân loại các hệ thống AI dựa trên mức độ rủi ro mà chúng có thể gây ra cho người dùng, gồm các cấp độ: Rủi ro không thể chấp nhận được, rủi ro cao, rủi ro hạn chế, rủi ro thấp. Việc không tuân thủ các quy định có thể dẫn đến mức phạt từ 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu, tùy thuộc hành vi vi phạm và quy mô của các công ty. EP cũng đã đề xuất thành lập Văn phòng AI, một cơ quan mới của EU để hỗ trợ việc áp dụng hài hòa đạo luật AI, cung cấp hướng dẫn và điều phối các cuộc điều tra chung xuyên biên giới.
Tháng 12/2023, các nước thành viên và các nghị sĩ EU đã đạt được thỏa thuận về dự luật và việc thông qua sau đó lẽ ra chỉ mang tính hình thức. Tuy nhiên, một số quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, bày tỏ lo ngại đạo luật AI khi được triển khai sẽ không đem lại hiệu quả, dẫn đến vòng đàm phán mới được tổ chức.
Nghị viện châu Âu dự kiến bỏ phiếu về dự luật vào tháng 3 hoặc 4 tới, trước khi văn bản này chính thức trở thành luật. Luật dự kiến có hiệu lực trước mùa Hè. Một số điều khoản của luật được áp dụng 6 tháng sau đó, trong khi những điều khoản khác bắt đầu từ năm 2026.
Trước đó, công ty phần mềm doanh nghiệp SAP (Đức) thông báo sẽ chi 2 tỷ euro (khoảng 2,2 tỷ USD) trong năm nay cho việc chuyển đổi, bao gồm các chương trình tái đào tạo và mua đứt các công ty. SAP cho rằng quyết định này là cần thiết để chuẩn bị cho tăng trưởng doanh thu mạnh trong tương lai.
Theo kế hoạch, một bộ phận đáng kể lực lượng lao động, hơn 7% trong số 108.000 lao động, sẽ bị ảnh hưởng. Đa phần trong số gần 8.000 vị trí việc làm bị ảnh hưởng đó dự kiến sẽ được áp dụng các chương trình nghỉ việc tự nguyện và được tái đào tạo kỹ năng nội bộ.
Khi thực hiện tái đầu tư, SAP dự kiến sẽ kết thúc năm 2024 với lực lượng lao động tương tự như mức hiện nay. Giám đốc điều hành (CEO) Christian Klein cho hay SAP sẽ mở ra một chương mới. Với chương trình chuyển đổi, SAP sẽ đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực tăng trưởng mang tính chiến lược mà trước hết là AI. SAP tin tưởng vào triển vọng của năm 2024.
SAP là công ty mới đây nhất dành ưu tiên cho AI, khi AI tạo sinh, công nghệ được sử dụng cho các nền tảng quen thuộc như ChatGPT, làm khuấy đảo thế giới.
Trong khi đó, CEO của OpenAI, ông Sam Altman có kế hoạch huy động hàng tỷ USD cho một liên doanh nhằm thiết lập một mạng lưới các nhà máy sản xuất chip. Các nguồn tin cho biết ông Altman đã đàm phán với một số nhà đầu tư tiềm năng với hy vọng huy động được số tiền đủ lớn cần thiết cho việc xây dựng các nhà máy chế tạo chip (thường được gọi là fabs).
Theo nguồn tin, dự án sẽ liên quan đến việc hợp tác với các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới và mạng lưới các nhà máy sẽ có phạm vi toàn cầu.
Việc sản xuất chip thường rất tốn kém. Chúng cũng đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, bên cạnh hàng tỷ USD tài trợ. Chi phí đã tăng lên trong những năm qua khi công nghệ sản xuất chip sử dụng trong các ứng dụng AI ngày một tiên tiến.
Các nguồn tin cho biết tập đoàn công nghệ G42 có trụ sở tại Abu Dhabi, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) nằm trong số các công ty đã tổ chức thảo luận với OpenAI. Nhưng các cuộc đàm phán vẫn còn trong giai đoạn sơ bộ và danh sách đầy đủ các đối tác và nhà tài trợ có liên quan vẫn chưa được thiết lập.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhu cầu chip trên toàn cầu, chủ yếu cho các trung tâm dữ liệu liên quan đến AI và lĩnh vực xe điện (EV), được cho là sẽ bắt đầu phục hồi vào quý II/2024, khi các nhà sản xuất chip lớn tăng sản lượng, từ đó thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Nikkei đã khảo sát 10 tổ chức và các cá nhân, trong đó có các cơ quan nghiên cứu, các nhà phân tích và các công ty giao dịch, để đánh giá về cung và cầu về chip trong năm nay trên thang 5 điểm trong mỗi quý, từ dư cung đến thiếu cung theo từng loại và mức sử dụng.
Theo công ty nghiên cứu Gartner (Mỹ), 80% các công ty trên toàn cầu sẽ sử dụng AI tạo sinh trong hoạt động kinh doanh vào năm 2026, tăng so với tỷ lệ chưa đến 5% vào năm 2023. Microsoft, Amazon.com và các công ty khác sẽ tăng các dịch vụ AI.
Trong khi đó, theo doanh nghiệp nghiên cứu thị trường Statista (Đức), giá trị thị trường chip AI được dự báo tăng lên 119,4 tỷ USD vào năm 2027, chiếm gần 20% thị trường chip toàn cầu.
Nhà phân tích Akira Minamikawa của Omdia cho rằng AI sẽ được sử dụng cho điện thoại thông minh và máy tính cá nhân. Đầu tư liên quan đến AI tạo sinh sẽ phục hồi và và thúc đẩy đáng kể tăng trưởng của thị trường chip.
Còn The World Semiconductor Trade Statistics, một tổ chức thống kê ngành công nghiệp do các nhà sản xuất chip lớn thành lập cho hay, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 13,1% vào năm 2024 lên mức kỷ lục 588,36 tỷ USD sau đợt sụt giảm trong năm nay, nhờ nhu cầu ngày càng tăng về chip AI.
Xét theo sản phẩm, chip nhớ sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng chung của thị trường vào năm 2024, với doanh số dự kiến sẽ tăng 44,8% so với một năm trước đó. Thị trường chip logic được dự đoán sẽ tăng trưởng 9,6% trong khi thị trường chip cảm biến hình ảnh dự kiến sẽ tăng 1,7%. Còn xét theo khu vực, châu Mỹ dự kiến sẽ có mức tăng trưởng lớn nhất vào năm 2024 với khả năng tăng 22,3%. Thị trường châu Á-Thái Bình Dương, nơi có nhiều công ty đặt cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính cá nhân, được dự đoán sẽ tăng trưởng 12%.