Trước đó vào cuối tháng 2, Ai Cập đã phóng vệ tinh Horus 1 từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc vào Quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO).
Giám đốc điều hành Cơ quan Vũ trụ Ai Cập Sherif Sedky cho biết các vệ tinh viễn thám Horus được phóng phù hợp với mục tiêu chiến lược quốc gia của Ai Cập về phát triển bền vững tới năm 2030. Horus 2 sẽ giúp xác định các loại cây trồng tốt nhất để sản xuất trong các khu vực khác nhau, cải thiện việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy xuất khẩu của Ai Cập.
Theo ông Sedky, đất nông nghiệp sẽ được sử dụng tốt nhất, giúp tăng khả năng tự cung tự cấp lương thực và giảm bớt cơn sốt khan hiếm ngoại tệ của Ai Cập. Các vệ tinh Horus chứa các camera đa quang phổ với độ phân giải cao chụp ảnh có độ sắc nét cao, nhằm giúp các nhà khoa học nghiên cứu môi trường.
Quan chức Ai Cập khẳng định các vệ tinh viễn thám Horus là sản phẩm của quan hệ hợp tác chiến lược giữa Ai Cập và Trung Quốc trong lĩnh vực khám phá vũ trụ. Các chuyên gia hai nước làm chủ toàn bộ quá trình phát triển, sản xuất, chế tạo và thử nghiệm các vệ tinh này.
Ai Cập đang đặt mục tiêu nội địa hóa ngành công nghiệp vệ tinh và công nghệ vũ trụ, thông qua quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Cơ quan Vũ trụ Ai Cập được thành lập vào tháng 8/2019 với mục đích chế tạo, chuyển giao phát triển công nghệ vũ trụ, nội địa hóa và sở hữu khả năng tự chế tạo và phóng vệ tinh từ lãnh thổ Ai Cập. Ai Cập là quốc gia Arab đầu tiên phóng thành công vệ tinh viễn thông vào không gian vào năm 1998.