Ông Wu Weiren, kỹ sư trưởng chương trình thăm dò Mặt trăng của Trung Quốc cho biết tàu Hằng Nga 3 trước đó đã đáp xuống Sinus Iridum (Vịnh Cầu vồng) ở vùng sáng bằng phẳng của hành tinh này. Trong khi đó, địa hình hạ cánh của tàu Hằng Nga 4 lại gồ ghề.
Các chuyên gia vũ trụ Trung Quốc đã chọn hố Von Karman tại cực Nam - Aitken Basin làm điểm hạ cánh. Khu vực này có diện tích chỉ bằng 1/8 so với lần hạ cánh của Hằng Nga 3, đồng thời xung quanh bị bao phủ bởi những ngọn núi cao tới 10km.
Không giống quỹ đạo hạ cánh vòm cung như Hằng Nga 3, tàu thăm dò số 4 hạ cánh gần như thẳng đứng. “Đó là một thử thách lớn trong khoảng thời gian ngắn, nhiều rủi ro và khó khăn”, ông Wu phát biểu.
Kỹ sư trưởng cho biết quá trình đáp tự động hoàn toàn, không hề có sự can thiệp từ trạm kiểm soát. Hình ảnh của quá trình hạ cánh đã được vệ tinh ghi lại rồi gửi về Trái đất.
“Chúng tôi đã chọn một quỹ đạo hạ cánh thẳng đứng để tránh tác động của các ngọn núi”, ông Zhang He, Giám đốc Dự án thăm dò Hằng Nga 4 tại Viện Kỹ thuật Vũ trụ Trung Quốc cho biết.
Li Fei, một trong những nhà thiết kế dự án, chia sẻ khi tàu bắt đầu hạ cánh xuống vùng tối Mặt trăng, một động cơ đã được kích hoạt để giảm vận tốc tương đối của tàu từ 1,7km/giây xuống gần bằng 0. Tàu cũng được điều chỉnh để đáp thẳng đứng.
Khi còn cách đích gần 2km, máy ghi hình trên Hằng Nga 4 bắt đầu chụp ảnh bề mặt của hành tinh để xác định các chướng ngại vật lớn, chẳng hạn như đá tảng hoặc hố sâu. Cách bề mặt 100m, tàu tiếp tục phân tích các chướng ngại vật nhỏ hơn cũng như đo độ dốc của bề mặt Mặt trăng.
Sau tính toán, con tàu đã tìm ra vị trí an toàn nhất để tiếp tục hạ cánh. Khi chỉ còn cách bề mặt 2m, động cơ dừng hẳn, bốn chân tàu chạm xuống để chống rung lắc. Theo Đài Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (CCTV), tàu thăm dò Hằng Nga 4 đã hạ cánh thành công xuống vùng tối của Mặt trăng vào lúc 10h26 ngày 3/1 (giờ Bắc Kinh). (Xem những hình ảnh tàu Hằng Nga 4 gửi về Trái đất trong quá trình hạ cánh. Nguồn: Guardian)
Với thành tích trên, Trung Quốc đã đi vào lịch sử ngành khoa học vũ trụ thế giới, trở thành quốc gia đầu tiên thám hiểm khu vực chưa từng được biết tới của Mặt trăng, nhằm khám phá thêm về lịch sử và sự hình thành vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.
Trước đó, tàu Hằng Nga 4, gồm một thiết bị đáp và một xe tự hành, được phóng bằng tên lửa Trường Chinh 38 từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào ngày 8/12. Tàu này gồm một bộ phận hạ cánh và một bộ phận chuyển động để thăm dò bề mặt Mặt trăng.
Vùng tối - khu vực trên Mặt trăng không thể quan sát từ Trái đất - từ lâu đã lôi cuốn sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới sau khi tàu vũ trụ của Liên Xô chụp được tấm hình đầu tiên về nơi này. Mặt trăng quay theo quỹ đạo quanh Trái đất, trong đó mặt tối là mặt không bao giờ được nhìn thấy từ Trái đất. Các tàu vũ trụ trước đây nhìn thấy mặt tối của Mặt trăng nhưng chưa bao giờ hạ cánh xuống đây.