Vị Vua từ bỏ ngai vàng vì tình

Vị Vua từ bỏ ngai vàng vì tình - Kỳ cuối: Tha phương

Vợ chồng công tước xứ Windsor lúc về già.

Đứng trước những lời đồn đại và những lập luận như vậy, chính giới Anh đã thông qua tạp chí "Times", mà chủ bút Geoffrey Dawson là một người thân tín của Thủ tướng Baldwins, để công bố những vụ việc bê bối của Edward, gây sức ép buộc Edward phải từ bỏ Wallis hoặc ngai vàng, chứ không còn sự lựa chọn nào khác.

Một ngày sau khi thoái vị, ngày 11/12/1936, Edward, vị quân vương trước đây, nay là Công tước Windsor đã lên tàu sang Pháp, mang theo một niềm tin về một tình yêu lớn. Ngày 3/6/1937, Công tước Windsor đã làm lễ thành hôn với Wallis Simpson trong lâu đài Cande ở Pháp. Với lễ kết hôn này, từ nay Wallis cũng được mang danh hiệu là Nữ Công tước Windsor.

Vì tình yêu này, Edward không chỉ phải từ bỏ ngai vàng, mà phải từ bỏ cả nước Anh. Bởi vì sau khi cưới Wallis, Edward bị cấm trở về quê cũ, nếu không có giấy mời của Hoàng gia. Vị mục sư làm lễ kết hôn cho họ ở Pháp sau đó cũng bị cách chức.

Từ đó, hai vợ chồng vị công tước sống một cuộc sống sung túc, nay đây mai đó giữa Pháp và Mỹ. Họ được coi là một cặp vợ chồng ăn mặc đẹp nhất thế giới, tặng cho nhau nhiều đồ trang sức quý giá và thường xuyên được mời tới dự những cuộc tiệc tùng quan trọng. Nhưng trong lòng, Edward vẫn uất hận gia đình mình và chính phủ Anh vì không chịu phong tước "Vương" cho Wallis nên ông đã tìm kiếm những đồng minh mới.

Một ngày tháng 10/1937, hai vợ chồng Edward đã tới thăm Adolf Hitler tại Obersalzberg, gần Munich. Tại đây, hai vợ chồng công tước xứ Windsor không chỉ được đón tiếp niềm nở, mà được đón tiếp trọng thị như những vị khách chính thức của quốc gia. Paul-Otto Schmidt, phiên dịch trưởng của Hitler sau này kể lại, Hitler đã nói rằng "bà ta (Wallis) lẽ ra đã trở thành một Hoàng hậu tốt".

Edward và Wallis trong buổi gặp gỡ Adolf Hitler ngày 23/10/1937.


Người ta cho rằng với chuyến thăm này, họ đã theo đuổi một kế hoạch riêng: Nếu nước Anh thất bại trước nước Đức, Edward sẽ lại được Đức Quốc xã đưa lên làm vua. Khi đó, Anh sẽ liên minh với Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hậu thuẫn cho Đức trong cuộc tấn công Liên Xô.

Sự gần gũi của Edward với tên độc tài Đức Hitler đã làm nước Anh lo ngại, vì sợ Edward có thể tiết lộ bí mật quốc gia cho người Đức. Thủ tướng Anh Winston Churchill, người đã đứng về phía Edward trong cuộc khủng hoảng, đã tìm cách đưa vợ chồng ông trở lại nước Anh, nhưng lại vấp phải sự phản đối của Hoàng gia. Rốt cuộc, mùa hè 1940, người ta đã nhất trí được với nhau về việc đưa Edward trở thành Thống đốc Bahamas, khi đó còn là thuộc địa của Anh.

Trong thời gian làm Thống đốc Bahamas, hai vợ chồng Edward vẫn thường sang Mỹ chơi. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt vẫn tỏ ra nghi ngại Wallis, nên trong chuyến thăm của họ năm 1941, ông đã ra lệnh cho Cục điều tra liên bang (FBI) giám sát họ chặt chẽ và trong một báo cáo được giải mật năm 2003 cho thấy, khi đó Edward vẫn tỏ ra có thiện cảm với Quốc xã.

Năm 1951, Edward công bố cuốn hồi ký và một lần nữa gây ra náo loạn ở Anh. Nhưng tới năm 1954, ông mua một trang trại nhỏ ở phía nam Pari cùng một căn hộ ở Pari và sống khá im hơi, lặng tiếng.

Tháng 3/1965, hai vợ chồng Edward sang Luân Đôn để Edward mổ mắt và Nữ hoàng Elizabeth II, cháu gái của Edward, đã bất ngờ tới thăm và lần đầu tiên chào hỏi Wallis. Ngày 7/6/1967, hai vợ chồng Công tước Windsor thậm chí lần đầu tiên được tham dự một chương trình công khai của Hoàng gia là khánh thành tượng đài kỷ niệm bà hoàng Mary, mẹ của Edward đã qua đời năm 1953. Đây là bước đi hòa giải đầu tiên của Hoàng gia Anh với Edward.

Ngày 28/5/1972, Edward, Công tước xứ Windsor qua đời ở tuổi 78 vì hậu quả của một ca phẫu thuật mà ông không hồi phục được nữa. Sau khi mai táng Edward, Wallis một mình trở về Pari và sống ở Pháp cho tới cuối đời. Bà qua đời ngày 24/4/1986 vì bệnh nhồi máu cơ tim. Thi hài của bà được chở về Anh để mai táng cạnh chồng. Toàn bộ đồ trang sức của bà, khi đó ước tính trị giá 50 triệu mark được thừa kế cho Thái tử Charles và Công nương Diana, người mà Wallis rất muốn làm quen, nhưng chưa bao giờ được gặp trực tiếp.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN