Kỳ cuối: “Tin tặc” mũ trắng
Năm 1924, ông được bổ nhiệm làm người quản lý sổ sách trong Lục quân. Với vai trò này, ông giám sát việc sử dụng các máy Hollerith để nâng cao hiệu quả của công tác hậu cần cho Lục quân. Sau khi chuyển sang Cơ quan Dân sự vào những năm 1930, Carmille thành lập Văn phòng Thống kê Nhân khẩu học Quốc gia, cơ quan đi tiên phong trong sử dụng máy bấm lỗ của IBM để lập bảng điều tra dân số của Pháp.
Khi chiến tranh sắp xảy ra, bộ phận của Carmille đã lập một danh sách quốc gia về những người đàn ông trong độ tuổi nhập ngũ phù hợp để huy động cho cuộc xung đột sắp tới. Là một phần trong nỗ lực này, Carmille đã phát minh ra số an sinh xã hội, mà ông dựa trên ngày và nơi sinh của mỗi người. Ông nhận ra rằng hệ thống các số duy nhất này ít rườm rà và ít bị trùng lặp hơn so với phân loại theo họ và tên. Hệ thống này vẫn được sử dụng ở Pháp cho đến ngày nay.
Sau khi Đức xâm lược và chia cắt nước Pháp, Carmille đến làm việc cho chính phủ Vichy ở vùng tự do thuộc miền nam nước Pháp. Nhưng Carmille không phải là người đi theo Đức Quốc xã. Là một thành viên của phong trào kháng chiến Pháp, Carmille thực hiện sứ mệnh của mình là phá hoại chính quyền Vichy bằng mọi cách có thể. Công việc đầu tiên của ông là tiếp tục thiết lập cơ quan đăng ký quốc gia. Mặc dù được giới thiệu với người Đức là một dự án dân sự thông thường, nhưng mục đích thực sự của sổ đăng ký là để bí mật chuẩn bị cho Quân đội Pháp thực hiện một cuộc tái tổng động viên bất ngờ.
Trong suốt mùa đông năm 1941-1942, Carmille đã xác định được tên của 220.000 quân nhân xuất ngũ sống ở miền Nam nước Pháp, phân nhóm họ theo đơn vị và khu vực. Ông cũng chuẩn bị một bộ thẻ bấm lỗ có thể kích hoạt việc in và phân phối các lệnh huy động trên toàn quốc chỉ trong vài giờ.
Tuy nhiên, các chính sách phân biệt chủng tộc của Đức Quốc xã sớm bắt đầu can thiệp vào dự án này. Năm 1941, Joseph Barthélémy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vichy, chỉ đạo Carmille xác định công dân Do Thái trong cơ quan đăng ký của mình. May mắn thay, Pháp có một truyền thống lâu đời về chủ nghĩa thế tục và chưa bao giờ ghi lại tôn giáo trong các cuộc điều tra dân số trước đó. Carmille đã lập luận thành công rằng do bản chất dân sự của dự án mà ông không thể tuân thủ yêu cầu. Vì vậy, cơ quan đăng ký chỉ ghi ngày và nơi sinh của công dân, cha mẹ, tình trạng hôn nhân, con cái, ngày mất, quốc tịch, địa chỉ hiện tại và giới tính.
Dự án này lớn tới mức trong gần hai năm, Carmille đã có thể từ chối cấp thiết bị và thực hiện dịch vụ cho cảnh sát Vichy và Gestapo, buộc họ phải dựa vào các phương pháp giấy tờ truyền thống để xác định và theo dõi người Do Thái.
Vào năm 1942, Đức Quốc xã sáp nhập vùng tự do và nắm quyền kiểm soát toàn bộ nước Pháp, buộc Carmille phải từ bỏ cơ quan đăng ký quốc gia và giấu mọi bằng chứng về dự án tại một Chủng viện Dòng Tên. Tệ hơn nữa, Văn phòng Thống kê Nhân khẩu học Quốc gia chịu sự kiểm soát trực tiếp của Đức Quốc xã và đã buộc Carmille phải tiến hành một cuộc điều tra dân số mới nhằm xác định người Do Thái gốc Pháp.
Không thể từ chối trực tiếp, Carmille thay vào đó đã áp dụng chính sách kháng cự thụ động, tìm cách cản trở và làm chậm quá trình thu thập dữ liệu hết mức có thể. Ông đưa ra hướng dẫn bằng lời nói chứ không phải bằng văn bản để trì hoãn phản hồi và gây nhầm lẫn, hướng dẫn nhân viên của mình xử lý sai các thẻ bấm lỗ và thậm chí ông đã xâm nhập các máy IBM để chúng không bao giờ đục vào cột thứ 11 biểu thị chủng tộc hoặc tôn giáo của công dân. Điều này khiến cho toàn bộ quá trình điều tra dân số là vô dụng đối với Đức quốc xã.
Trong khi đó, mạng lưới kháng chiến của Carmille đã cử các đặc vụ đến London cùng với các mẫu thẻ bấm lỗ được chế độ Vichy sử dụng và dùng giấy báo tử mà Cơ quan Thống kê nhận được để tạo ra chứng minh thư giả cho các thành viên kháng chiến và công dân Do Thái. Chương trình phá hoại của Carmille hiệu quả đến mức đến tháng 2/1944, “Báo cáo kỹ thuật số về số người Pháp và người Do Thái nước ngoài được đếm vào tháng 6/1941” vẫn chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, quân Đức đã biết được Carmille đang làm gì và bắt ông ở Lyon vào ngày 3/2/1944. Sau khi bị sĩ quan Gestapo là Klaus Barbie – người được gọi là “Đồ tể Lyon” khét tiếng, tra tấn trong hai ngày, Carmille đã bị đưa đi bằng tàu hỏa đến trại tập trung Dachau. Tại đây, ông chết vì bệnh sốt phát ban vào ngày 25/1/1945.
Mặc dù không thể biết được rằng chiến dịch phá hoại của Carmille đã cứu được bao nhiêu công dân Pháp, nhưng so với tỷ lệ tiêu diệt của Hà Lan là 74%, chỉ có 25% người Do Thái ở Pháp bị Đức Quốc xã sát hại.
Mặc dù đã cộng tác với Đệ tam Đế chế trong suốt 12 năm tồn tại của chế độ này, nhưng Thomas Watson và IBM đều chưa bao giờ phải đối mặt với công lý vì vai trò trong vụ diệt chủng Holocaust. Vào năm 2002, một nhóm gồm 5 người sống sót sau thảm họa Holocaust ở Romani đã đệ đơn kiện công ty IBM, nhưng sau hai năm xem xét, vụ kiện đã bị bác bỏ do đã hết thời hiệu.
Cái chết và cuộc diệt chủng diễn ra với sự hỗ trợ của gã khổng lồ công nghệ IBM có thể còn tồi tệ hơn nhiều, nếu không có những người như René Carmille. Carmille đã cố gắng sử dụng sức mạnh công nghệ trong khả năng của mình để cứu hàng triệu đồng bào thoát khỏi một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.